Một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Thứ tư - 20/03/2024 09:52 18 0
Một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án số 58/2020/QH14 đã chính thức được Quốc hội Thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều nội dung đáng chú ý sau: 

Thứ nhất: Về hòa giải và đối thoại tại tòa án

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án). Mặt khác, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

 Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

Thứ hai: Về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại; Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép; Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ và Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật; Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp quy định các trường hợp sau đây: Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Thứ tư: Về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên

Khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên gồm: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.

Đặc biệt là khoản 2 điều 10 quy đinh người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này; Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Thứ 5. Về bổ nhiệm Hòa giải viên

Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên bao gồm: Đơn đề nghị bổ nhiệm; Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp; Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện theo quy định; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

Thứ 6: Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án   

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại gồm: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng; Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Truờng hợp khác theo quy định của pháp luật./.

                                                                             Minh Tân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay5,458
  • Tháng hiện tại153,793
  • Tổng lượt truy cập4,977,841
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
hkg
e office
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây