Có thể thấy rằng, sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ dừng lại, và hoạt động của chúng được tiến hành ngày một tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và mục đích rõ ràng. Trong khi đó, “việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, in-tơ-nét, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu”. Cùng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chạy theo lối sống thực dụng. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là một nhiệm vụ cấp bách để phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống tinh thần của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của việc đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên môi trường mạng xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tăng cường năng lực quản trị an ninh mạng, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… Trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, bên cạnh những thuận lợi sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, làm xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng những khó khăn đó để đẩy mạnh quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam.
Để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa, khắc phục những mặt tiêu cực của mạng xã hội, cần phải nhìn nhận đúng về mạng xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để có phương thức ứng xử phù hợp với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng mạng xã hội cho người dùng. Tiếp tục thực hiện tốt Luật An ninh mạng năm 2018, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (của Hội Nhà báo Việt Nam), Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin và Truyền thông). Đặc biệt, giáo dục định hướng giá trị để người dân khi sử dụng mạng xã hội, trong đó hết sức quan tâm đến lực lượng thanh, thiếu niên - là lực lượng tích cực nhất trên các mạng xã hội có ý thức cảnh giác, chủ động kiểm chứng thông tin để nhận diện đúng - sai, nâng cao “sức đề kháng” để có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc trước những thông tin không chính xác, dung tục, phản cảm, thông tin có ý đồ xấu.
Kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch, có nội dung xấu, độc, sai sự thật về Đảng, Nhà nước và chế độ. Có biện pháp ngăn chặn, triệt phá, vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.
Mở các diễn đàn, hội, nhóm, tạo ra lực lượng bảo vệ đông đảo chiếm ưu thế trên không gian mạng. Xây dựng hình ảnh, video clip về các nội dung tích cực để giành thế chủ động, kịp thời, hiệu quả. Không để chúng lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài. (Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng)
Tác giả: thị xã Hòa Thành ban tuyên giáo, Thanh Vi-BTG
Ý kiến bạn đọc