Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII

Thứ sáu - 07/02/2025 15:48 38 0
Ngày 7/02/2025, Ban Tuyên giáo Thị uỷ ban hành Công văn và đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động phổ biến, quán triệt, tuyên truyền thông báo nhanh kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, tháng 01/2025 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân bằng hình thức phù hợp cho từng đối tượng.

Từ chiều ngày 23/01 đến ngày 24/01/2025 tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bàn về các nội dung sau: (1) Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. (2) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024. (3) Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. (4) Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 đạt hai con số liên tục trong các năm. (5) Công tác cán bộ.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Sau đây là thông báo nhanh về một số kết quả Hội nghị:

I. Về Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sau đây gọi là Nghị quyết số 18).

1. Đánh giá chung:

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng.

Ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, các công việc đã được triển khai thực hiện hết sức khẩn trương, tích cực, nghiêm túc, thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được triển khai theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở” với cách làm bài bản, khoa học, dân chủ. Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua cho thấy: Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết định, chủ trương, định hướng tổng kết rất đúng, rất trúng và đúng thời điểm trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 từ năm 2018 và có đầy đủ căn cứ khoa học, chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất với quyết tâm chính trị cao nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Do đó, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thống nhất cao, nghiêm túc thực hiện, đạt kết quả rất tốt; được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

2. Kết quả cụ thể:

2.1. Về tổ chức bộ máy:

+ Ở Trung ương:

(1) Khối Đảng, đoàn thể: Giảm 4 cơ quan Đảng Trung ương; 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn ở Trung ương; giảm 119 đầu mối cấp vụ của cơ quan, ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; tăng 2 đảng uỷ trực thuộc Trung ương.

(2) Khối Quốc hội: Giảm 5 cơ quan của Quốc hội, 13 đầu mối cấp vụ, đơn vị.

(3) Khối Chính phủ: Giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ, 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (100%); 519 cục và tổ chức tương đương; 219 vụ và tổ chức tương đương; 3.303 chi cục và tương đương; 203 đơn vị sự nghiệp công lập.

(4) Toà án nhân dân các cấp: Giảm 227 đầu mối; trong đó giảm 2 đơn vị cấp vụ (cả cao và tối cao), 18 toà án chuyên trách cấp tỉnh, 28 đơn vị cấp phòng, 179 toà chuyên trách cấp huyện.

(5) Viện Kiểm sát nhân dân: Giảm 108 đầu mối; trong đó giảm 6 đơn vị cấp vụ (cả cấp cao và tối cao), 102 đơn vị cấp phòng.

(6) Văn phòng Chủ tịch nước: Giảm 2 đơn vị cấp phòng.

(7) Kiểm toán Nhà nước: Giảm 13 đơn vị cấp phòng.

+ Ở địa phương:

Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2024: (1) Khối Đảng, đoàn thể địa phương: Giảm 1.442 đầu mối cấp phòng. (2) Khối chính quyền địa phương: Giảm 4.633 đầu mối cấp phòng; 7.434 đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ tháng 11/2024 đến nay: (1) Khối Đảng, đoàn thể địa phương: Dự kiến giảm 66 đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng uỷ; 63 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp tỉnh; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp huyện. (2) Khối chính quyền địa phương: Dự kiến giảm 340 cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2.2. Về biên chế:

Tính đến ngày 30/6/2021, cả hệ thống chính trị có 2.858.241 biên chế, giảm 720.360 biên chế so với năm 2015 (20,13%), khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 2022, lần đầu Bộ Chính trị thực hiện việc giao và quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 với tổng số 2.234.720 biên chế (giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức so với năm 2021). Đến tháng 12/2024, toàn hệ thống chính trị đã giao giai đoạn 2022 - 2026 là 2.228.546 biên chế, giảm 6.174 biên chế viên chức so với số biên chế Bộ Chính trị đã giao.

2.3. Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã:

- Giai đoạn 2019 - 2021: Cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã.

- Giai đoạn 2023 - 2025: Cả nước đã sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.178 đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 563 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, cả nước có 696 đơn vị cấp huyện, 10.035 đơn vị cấp xã.

Trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện nghị quyết. Khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp: bộ, tỉnh, xã; không tổ chức công an cấp huyện. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.

II. Về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản đồng tình nội dung Đề án về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện do Ban cán sự đảng Chính phủ trình, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

1. Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

- Năm 2024, bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường, vượt dự báo với nhiều yếu tố rủi ro và các vấn đề chưa từng có tiền lệ. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm; trong khi thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Trong bối cảnh đó nước ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực; quy mô GDP khoảng 476,3 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất siêu ước đạt 24,77 tỉ USD; tổng thu ngân sách nhà nước vượt 19,8% so với dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 tăng 7,5%; vốn FDI đăng ký gần 38,23 tỉ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 25,35 tỉ USD, tăng 9,4%.

Thể chế, pháp luật là trọng tâm cải cách nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho phát triển. Phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Phát triển nguồn nhân lực chuyển biến tích cực; kinh tế số, kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, vượt mục tiêu đề ra; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023. Tỉ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1%, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 54 thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2023; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54, tăng 1 bậc. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu nổi bật.

- Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, bão lũ, ngập úng và hạn hán tiếp tục gây thiệt hại lớn. Tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp...

- Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do tình hình thế giới, khu vực có nhiều bất ổn, bất lợi, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế; thể chế còn nhiều vướng mắc, phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, tập trung nhiều ở Trung ương, giữa Chính phủ, Quốc hội còn chồng chéo, trùng lặp; trách nhiệm người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa được phát huy; công tác nắm bắt tình hình có nơi, có lúc chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm; thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc hiệu quả thấp.

- Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể tác động không nhỏ đến nước ta. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức cũng xuất hiện những thời cơ mới, chúng ta cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển, nhất là về tư duy chiến lược, tầm nhìn của về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế; sự kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta.

2. Về mục tiêu, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XlV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

2.1. Mục tiêu: Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

2.2. Định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên:

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật. Ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không cấm được thì buông”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Áp dụng ngay các quy định đột phá về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công; triển khai hiệu quả quy định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; nâng cao cơ cấu tiêu dùng, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp (Phấn đấu mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên). Chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về ngoại giao, kinh tế… để thúc đẩy thương mại hài hoà, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí…; khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi.

III. Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 đạt hai con số liên tục trong các năm.

Ban Chấp hành Trung ương cơ bản đồng tình với các Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số. Đây là mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Kinh nghiệm của một số nước phát triển cho thấy, để trở thành nước có thu nhập cao, các quốc gia này đã từng có giai đoạn dài trong lịch sử có mức tăng trưởng bình quân cao (hai con số) như: Hàn Quốc (9,5% giai đoạn 1963 - 1997) với mức đầu tư khoảng 38% GDP; Trung Quốc (10% giai đoạn 1978 - 2011) với mức đầu tư trên 40% GDP; Singapore (9% giai đoạn 1965 - 1997) với mức đầu tư trên 40% GDP; Nhật Bản (11,5% giai đoạn 1951 - 1973) với mức đầu tư khoảng 37% GDP. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ năm 1960 đến nay, có 41 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, trong đó chỉ có 6 nền kinh tế có quy mô dân số trên 20 triệu người.

Để đưa nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới, sớm bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cần phải tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 (Phương án tăng trưởng hai con số là phương án cao hơn so với phương án đã báo cáo Hội nghị Trung ương 10).

1. Về điều kiện để tăng trưởng cao: (1) Tư duy mới, cách làm mới, cải cách về thể chế, đột phá về giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. (2) Đổi mới về phương thức lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện; tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả; người đứng đầu và đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để tổ chức thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số. (3) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng chi đầu tư phát triển, chấp nhận nới rộng thêm bội chi, nợ công, lạm phát so với hiện nay; thúc đẩy tăng trưởng các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. (4) Hình thành được các động lực tăng trưởng mới (trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế...). Thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, kết nối liên vùng... (5) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao trở thành động lực, nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. (6) Khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào thị trường.

2. Về nhiệm vụ, giải pháp đột phá

(1) Về đột phá thể chế phát triển: (i) Ngay từ năm 2025, tập trung hoàn thành sớm việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng kiến tạo phát triển; tháo gỡ tối đa các điểm nghẽn, rào cản và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. (ii) Phân cấp, phân quyền triệt để theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". (iii) Xoá bỏ triệt để cơ chế xin - cho, bỏ hẳn tư duy "không quản được thì cấm", "quản được đến đâu thì mở đến đó". (iv) Hạn chế tối đa can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường. (v) Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. (vi) Áp dụng ngay các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, đặc biệt cho các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế ưu tiên và các dự án quy mô lớn, trọng điểm. (vii) Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung hoà cácbon (Net Zero), khai thác nguồn lực dữ liệu...

(2) Về cải cách tổ chức, bộ máy: (i) Tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. (ii) Đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở tập trung hoàn thành và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên... Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, kiến tạo phát triển. (iii) Ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể, minh bạch để bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi. (iv) Đổi mới phương thức, cơ chế lựa chọn người có đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Ngoài ra, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đột phá: (3) Về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; (4) Về thúc đẩy tăng trưởng các vùng động lực hành lang kinh tế và cực tăng trưởng; (5) Về hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; (6) Về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao; (7) Về phát triển khu vực tư nhân, củng cố niềm tin thị trường; (8) Về mở rộng thị trường và tăng tổng cầu tiêu dùng.

*

*           *

Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thành Đại hội XIV của Đảng./.

 

 

 

Tác giả: thị xã Hòa Thành ban tuyên giáo, Thanh Vi-BTG

Nguồn tin: btgtu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay2,508
  • Tháng hiện tại109,795
  • Tổng lượt truy cập7,202,345
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây