Chuyên Mục Hỏi đáp Thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp

Thứ sáu - 05/08/2022 14:35 530 0
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch trên địa bàn phường Long Hoa đạt nhiều hiệu quả tích cực: Đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ đúng quy định; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nội bộ…
Chuyên Mục Hỏi đáp Thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp
Chuyên Mục Hỏi đáp Thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp

Trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức. Qua đó, tạo được sự hài lòng của người dân. Sau đây là một số câu hỏi đáp thực hiện trên lĩnh vực tư pháp góp phần giải quyết thắc mắc cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại phường.

Hỏi: Làm Giấy khai sinh cho con, bố mẹ cần chuẩn bị giấy tờ gì?

Đáp: Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020, bố mẹ, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

1. Giấy tờ để xuất trình

- Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh.

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn chuyển tiếp).

- Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cần xuất trình thêm:

+ Giấy chứng nhận kết hôn nếu cha, mẹ đã đăng ký kết hôn.

+ Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam như:

Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.

Văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

2. Giấy tờ để nộp

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Trường hợp có yếu tố nước ngoài thì có thêm :

+ Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có).

+ Nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con.

+ Nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.

- Trường hợp kết hợp đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con thì có thêm:

+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:

Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

3. Lưu ý đối với giấy tờ nộp, xuất trình:

- Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính.

- Nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao giấy tờ đó.

- Đối với giấy tờ xuất trình khi đăng ký khai sinh, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong tờ khai, chụp lại hoặc ghi lại thông tin để lưu trong hồ sơ và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ đó.

+ Người tiếp nhận không được yêu cầu người đăng ký khai sinh nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.

- Cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan (cam đoan việc sinh/cam đoan quan hệ cha mẹ con) về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật nếu cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan.

Cơ quan đăng ký hộ tịch có quyền từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

Hỏi: Hiện nay nhiều người bị mất giấy khai sinh, nhất là những người cao tuổi. Khi khai sinh lại người cao tuổi thay đổi về chỗ ở và không có các giấy tờ chứng minh thì có dễ thực hiện?

Đáp: Điều kiện đăng ký lại khai sinh

Theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người có có yêu cầu được cấp lại khai sinh có đủ các điều kiện sau:

- Việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

- Người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Thủ tục đăng ký lại khai sinh cho người cao tuổi

Bước 1. Chuẩn bị giấy tờ, tài liệu

Theo Điều 9 Thông tư 04/2020/TT-BTP, giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh gồm:

- Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

- Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

- Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ trên thì giấy tờ sau là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:

+ Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

+ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;

+ Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;

+ Giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.

Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ nêu trên (nếu có) và cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có; chịu trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật.

Trường hợp giấy tờ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác minh.

Trường hợp cơ quan công an trả lời không có thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký lại khai sinh lập văn bản cam đoan về thông tin của cha, mẹ.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Người có yêu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú.

Bước 3. Giải quyết và trả kết quả

Trường hợp 1: Đăng ký lại tại UBND cấp xã trước đây cấp giấy khai sinh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ.

Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Trường hợp 2: Đăng ký lại tại UBND cấp xã không phải nơi trước đây cấp giấy khai sinh

- Công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND có văn bản đề nghị UBND nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về lưu giữ sổ hộ tịch

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký và cấp giấy khai sinh.

Lưu ý: Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì thông tin được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên.

Hỏi: Không còn hồ sơ, giấy tờ gì, làm lại khai sinh được không?Bố mẹ tôi lấy nhau khi đất nước còn chiến tranh tại Hà Nam Ninh. Sau đó, tôi chuyển đến Hưng Yên để sinh sống, từ đó đến nay giấy khai sinh đã mất và tôi không có giấy tờ tùy thân. Nay tôi muốn làm lại giấy khai sinh nhưng không còn giấy tờ gì chứng minh nhân thân. Khi tôi liên hệ đến nơi tôi sinh thì được trả lời không có hồ sơ giấy tờ nào chứng minh tôi đã được cấp giấy khai sinh ở đó. Vậy, tôi có làm lại được giấy khai sinh hay không?

Đáp: Căn cứ Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nếu bác đã khai sinh trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại khai sinh.

Để đăng ký lại khai sinh, bác phải nộp một bộ hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú. Hồ sơ gồm:

+ Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không giữ được bản chính Giấy khai sinh

+ Bản sao những hồ sơ, giấy tờ có những thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của bác. Những hồ sơ giấy tờ này được hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 04/2020/TT-BTP như sau:

Điều 9. Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh

Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm:

1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:

a) Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

b) Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;

c) Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, hồ sơ học tập do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;

d) Giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.

Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ nêu trên (nếu có) và cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có; chịu trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Nếu không có một trong những giấy tờ trên, bác không thể thực hiện đăng ký lại khai sinh.

Tuy nhiên, do chính quyền nơi sinh trước đây của bác trả lời không có hồ sơ giấy tờ nào chứng minh bác đã được cấp giấy khai sinh ở đó. Vì thế, cũng có thể bác chưa từng được cấp giấy khai sinh. Lúc này, bác có thể tiến hành đăng ký khai sinh lần đầu nếu có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014:

- Giấy chứng sinh;

- Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh;

- Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Hỏi: Mất giấy chứng sinh, làm thủ tục đăng ký khai sinh được không?

Đáp: Hiện nay, thủ tục đăng ký khai sinh được hướng dẫn cụ thể tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014. Cụ thể, người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ sau cho cơ quan đăng ký hộ tịch:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh.

Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Như vậy, theo quy định này, đi đăng ký khai sinh không bắt buộc phải có giấy chứng sinh. Giấy này có thể được thay thế bằng giấy cam đoan về việc sinh hoặc văn bản của người làm chứng về việc sinh.

Hỏi: Giấy chứng sinh có thể xin cấp lại

Đáp: Theo Thông tư 17/2012/TT-BYT, giấy chứng sinh có thể được cấp lại.

Đối với trường hợp mất, rách, nát giấy chứng sinh: bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 17. Đơn này phải có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư.

Sau khi xin xác nhận, bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại giấy chứng sinh mới. Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc.

Như vậy, giấy chứng sinh nếu bị mất thì hoàn toàn có thể xin cấp lại.

Người dân khi bị mất giấy chứng sinh thì có thể lựa chọn 01 trong 03 cách sau để được khai sinh cho con:

- Xin cấp lại giấy chứng sinh;

- Xuất trình văn bản của người làm chứng về việc sinh khi đi đăng ký khai sinh;

- Xuất trình văn bản cam đoan về việc sinh khi đi đăng ký khai sinh.

Lưu ý rằng đối với trường hợp thứ 02 và thứ 03 nêu trên, thủ tục đăng ký khai sinh sẽ rắc rối hơn so với việc xuất trình giấy chứng sinh.

Bản sao giấy chứng sinh có khai sinh được không?

Không ít gia đình sau khi nhận giấy chứng sinh của cơ sở y tế thì cẩn thận sao y thành nhiều bản, nhưng cuối cùng lại làm mất bản chính. Vậy, bản sao này có thể sử dụng để đăng ký khai sinh được không?

Về vấn đề này, Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 có hiệu lực từ ngày 04/9/2020 quy định rõ ràng, chi tiết về giấy tờ phải nộp khi đăng ký khai sinh như sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Như vậy, giấy chứng sinh nộp khi đăng ký khai sinh cho con phải là bản chính, bản sao y sẽ không được chấp nhận.

Hỏi: Sinh con bao lâu phải làm giấy khai sinh?

Đáp: Thời hạn đăng ký khai sinh

Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:

“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”

Như vậy, trong thời hạn 60 ngày kể từ đứa trẻ được sinh ra, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh phải tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.

Người đi đăng ký khai sinh

Những người có thể trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ bao gồm:

- Cha hoặc mẹ của trẻ;

- Ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ (trong trường hộ cha, mẹ không thể đi đăng ký khai sinh cho con);

- Cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ.

Hồ sơ đăng ký khai sinh

Các giấy tờ cần cung cấp khi đi đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014: Tờ khai theo mẫu (do cơ quan đăng ký hộ tịch cung cấp) và giấy chứng sinh.

Các giấy tờ có giá trị thay thế giấy chứng sinh trong trường hợp không có giấy chứng sinh:

- Văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; hoặc

- Giấy cam đoan về việc sinh (nếu không có người làm chứng); hoặc

- Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập (trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi); hoặc

- Văn bản chứng minh việc mang thai hộ (trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ).

Ngoài ra, người đi đăng ký khai sinh cũng cần xuất trình bản chính Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.

Luật Hộ tịch năm 2014 cũng có quy định mới, theo đó, bên cạnh việc được cấp giấy khai sinh, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ còn được cấp số định danh cá nhân của trẻ.

Hỏi: Điều kiện xin cấp bản sao Giấy khai sinh, trích lục hộ tịch

Đáp:

Ngày 04/01/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Điều 7 Thông tư này quy định, người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết gồm:

- Tên giấy tờ hộ tịch;

- Số, ngày, tháng, năm đăng ký, cơ quan đã đăng ký việc hộ tịch.

Trường hợp không cung cấp được đầy đủ các thông tin nêu trên, thì người yêu cầu phải cung cấp được thông tin cơ bản trong giấy tờ hộ tịch đã đăng ký để có cơ sở tra cứu.

Ví dụ:

- Đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn nhưng không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng.

- Đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh nhưng không cung cấp được số Giấy khai sinh, ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh thì phải cung cấp được họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh; họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cha, mẹ người được khai sinh.

Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh không cung cấp đầy đủ hoặc cung cấp các thông tin không chính xác, không thể tra cứu được thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.

Hỏi: Mẹ chưa đủ 18 tuổi làm giấy khai sinh cho con được không?

Đáp:

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi đăng ký kết hôn. Đa số các cặp đôi đều đăng ký kết hôn trước sau đó mới sinh con để cùng nhau làm Giấy khai sinh và được công nhận là cha, mẹ của con.

Tuy nhiên hiện nay việc sinh con trước hôn nhân hay sinh con khi chưa đủ 18 tuổi đã không còn quá xa lạ. Vì vậy, rất nhiều người ở trong trường hợp này hoang mang, lo lắng không biết liệu người mẹ chưa kết hôn và chưa đủ 18 tuổi có làm giấy khai sinh cho con được không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Đồng thời, Điều 13 Luật Trẻ em 2016 cũng tiếp tục khẳng định, trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, quốc tịch và được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khai sinh là quyền lợi chính đáng của trẻ em, không phân biệt trẻ em được sinh ra trong hoàn cảnh nào, kể cả việc người mẹ chưa đủ 18 tuổi để đăng ký kết hôn.

Làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi như thế nào?

Giấy khai sinh của trẻ em được sinh ra khi bố mẹ chưa kết hôn sẽ bỏ trống tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.

Nếu muốn có tên cha trong Giấy khai sinh, cha, mẹ của trẻ phải cùng lúc thực hiện thủ tục nhận cha con và đăng ký khai sinh cho con.

Cụ thể, Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 của Bộ Tư pháp, thủ tục làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi thực hiện như sau:

Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ để nộp bao gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh;

- Nếu kết hợp thủ tục nhận cha con thì có thêm:

+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là văn bản được cấp bởi cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trong đó có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Bước 2: Nộp giấy tờ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha (nếu thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con).

Ngoài hồ sơ để nộp, người yêu cầu làm Giấy khai sinh còn cần đem theo các giấy tờ sau để xuất trình:

- Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/các giấy tờ khác có ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

- Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thì cần có thêm giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, bao gồm: Hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; văn bản xác nhận việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam của cơ quan công an có thẩm quyền.

Bước 3: Ủy ban nhân dân xã tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy khai sinh

Công chức xã tiếp nhận sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ và giấy tờ xuất trình.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu xét thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, lấy Số định danh cá nhân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cấp Giấy khai sinh cho người yêu cầu.

Hỏi: Có được xoá tên cha trong giấy khai sinh không?

Đáp:

Xoá tên cha trong giấy khai sinh được hiểu là việc bỏ hẳn tên cha trong giấy khai sinh của người con. Đây được xem là một trong các trường hợp thay đổi hộ tịch của một người.

Cụ thể, khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 định nghĩa như sau:

Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.

Trong đó, về trường hợp thay đổi thông tin cha, mẹ trong nội dung khai sinh, khoản 2 Điều26 Luật Hộ tịch quy định chỉ được thay đổi thông tin về người cha khi người con được nhận làm con nuôi của người khác và cha mẹ nuôi đổi tên cha trong giấy khai sinh.

Về lý do chính đáng khác, khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:

Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Như vậy, chỉ khi được Toà án công nhận bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc không xác định cha, mẹ con thì có thể thực hiện việc xoá tên cha trong giấy khai sinh.

Tuy nhiên, để không thừa nhận con và xoá tên cha trong giấy khai sinh, người yêu cầu cần phải cung cấp được chứng cứ. Trong đó, có thể kể đến giấy xét nghiệm ADN hoặc các văn bản của cơ quan giám định... trong và ngoài nước xác nhận quan hệ cha con.

Sau khi có đầy đủ chứng cứ, người yêu cầu phải gửi đơn tới Toà án có thẩm quyền và được công nhận việc không phải là cha con trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Do đó, chỉ có hai trường hợp được xoá tên cha trong giấy khai sinh là khi cha mẹ nuôi thay đổi họ tên cha đẻ trong giấy khai sinh của con nuôi và khi xác định

Do đó, ngoài trường hợp cha mẹ nuôi muốn thay đổi thông tin về cha đẻ trong giấy khai sinh của con thì các trường hợp khác vì lý do không thích hoặc vì lý do khác mà không muốn thể hiện thông tin về người cha trong giấy khai sinh sẽ không thực hiện được.

Hiện chỉ có quy định về việc thay đổi tên cha trong giấy khai sinh trong trường hợp con được nhận làm con nuôi hoặc khi không thừa nhận con thì thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án.

Thủ tục thay đổi thông tin cha trong giấy khai sinh

Để xoá tên cha trong hai trường hợp nêu trên, người yêu cầu phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin trong giấy khai sinh. Theo đó, thủ tục thay đổi thông tin về cha trong giấy khai sinh được thực hiện như sau:

Thẩm quyền thực hiện

Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc UBND cấp xã nơi cư trú giải quyết thay đổi hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi.

UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú thay đổi hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi cư trú trong nước.

Giấy tờ cần nộp

- Tờ khai thay đổi hộ tịch.

- Giấy tờ liên quan: Chứng cứ chứng minh không phải cha con hoặc giấy xác nhận việc nuôi con nuôi.

Thời gian

Thời gian thực hiện là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu công chức tư pháp, hộ tịch thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp pháp luật thì sẽ ghi vào sổ hộ tịch, ký và cấp trính lục cho người yêu cầu.

Hỏi: Con sinh ra nhờ mang thai hộ là con của ai và Thủ tục khai sinh cho con nhờ mang thai hộ?.

Đáp:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại mà giúp đỡ cho cặp vợ chồng có vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Lúc này, việc mang thai hộ sẽ được tiến hành bằng cách lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Về mặt sinh học, đứa bé được sinh ra bởi noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Người phụ nữ mang thai hộ chỉ giúp đỡ cặp vợ chồng này mang thai và sinh con.

Về mặt pháp luật, Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu rõ, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Ngoài ra, bên mang thai hộ bắt buộc phải giao đứa trẻ và bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Thời điểm con được sinh ra cũng là thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nhờ mang thai hộ và đứa trẻ.

Như vậy, có thể khẳng định đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ là con của người nhờ mang thai hộ , dù xét trên mặt sinh học hay pháp luật.

Lưu ý khi làm giấy khai sinh cho con do mang thai hộ

Bởi đứa trẻ sinh ra được xác định là con của người nhờ mang thai hộ nên trách nhiệm đăng ký khai sinh thuộc về người chồng hoặc người vợ nhờ mang thai hộ (Căn cứ vào Điều 15 Luật Hộ tịch 2015).

Về cơ bản, thủ tục đăng ký khai sinh cho con do mang thai hộ cũng giống thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bình thường. Ngoại trừ vì được sinh ra nhờ mang thai hộ, nên cần lưu ý khi xin cấp giấy chứng sinh.

Trong đó, để được cấp giấy chứng sinh, theo quy định tại Thông tư 34/2015/TT-BYT cần phải nộp một trong các giấy tờ cho cơ sở y tế nơi trẻ được sinh ra:

- Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ;

- Bản thỏa thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (bản sao chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính để đối chiếu).

Sau khi được cấp giấy chứng sinh, cha hoặc mẹ của trẻ được sinh nhờ mang thai hộ nộp kèm tờ khai đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.

Cán bộ tư pháp nhận, kiểm tra và xét thấy thông tin khai sinh đầy đủ, phù hợp sẽ ghi vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch ký và trả cho người đi khai sinh.

Lưu ý: Giấy khai sinh chỉ được cấp 01 bản chính và không mất lệ phí.

Hỏi: Giấy chứng sinh bị mất xin cấp lại thế nào để làm khai sinh?

Đáp:

1. Xin cấp lại giấy chứng sinh đã mất để làm khai sinh được không?

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, giấy chứng sinh là loại giấy tờ có thể được cấp lại. Theo đó, có hai trường hợp được cấp lại giấy chứng sinh là:

- Sau khi được cấp mà phát hiện có nhầm lẫn.

- Giấy chứng sinh bị mất, rách, nát sau khi được cấp.

Như vậy, nếu mất giấy chứng sinh, cha mẹ hoàn toàn có thể xin cấp lại giấy chứng sinh theo thủ tục nêu tại điểm b khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT như sau:

1.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh (ban hành tại Phụ lục 03 Thông tư 17/2012/TT-BYT). Trong đơn này phải có xác nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân số về việc sinh và việc gia đình đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư.

1.2 Nơi nộp hồ sơ

Cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

1.3 Thời gian giải quyết

- 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở khám, chữa bệnh nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh.

- Không quá 03 ngày làm việc nếu việc cấp lại giấy chứng sinh phải xác minh.

1.4 Lệ phí cấp lại giấy chứng sinh

Theo Thông tư 17 cũng như các văn bản khác của Bộ Y tế, không có quy định nào đề cập đến lệ phí cấp lại giấy chứng sinh. Do đó, khi xin cấp lại giấy chứng sinh, cha mẹ hoặc người thân thích khác của trẻ sẽ không phải nộp khoản phí nào.

2. Ngoài giấy chứng sinh, dùng giấy tờ khác khai sinh được không?

Về thủ tục đăng ký khai sinh, người đi khai sinh phải thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Điều 16 Luật Hộ tịch quy định hồ sơ cha mẹ hoặc người có quyền đi khai sinh cho trẻ phải nộp gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh (có mẫu).

- Giấy chứng sinh (bản chính). Nếu không có giấy chứng sinh thì có thể nộp một trong các loại giấy tờ sau đây:

+ Văn bản có người làm chứng xác nhận về việc trẻ được sinh ra,

+ Giấy cam đoan về việc sinh con.

- Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi nếu làm khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi (biên bản này phải do cơ quan có thẩm quyền lập).

- Văn bản chứng minh việc mang thai hộ nếu khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ.

Như vậy, có thể thấy, ngoài giấy chứng sinh thì người đi làm khai sinh cho trẻ còn có thể sử dụng một trong hai loại văn bản (văn bản có người làm chứng xác nhận hoặc giấy cam đoan về việc sinh) để thay thế.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, người đi khai sinh có thể nộp hồ sơ tại cơ quan sau đây:

- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã: Khai sinh cho trẻ ở Việt Nam thì đến UBND cấp xã nơi cha hoặc mẹ cư trú (thường trú + tạm trú) hoặc của nơi trẻ đang sinh sống thực tế (nếu không xác định được nơi cư trú của cha mẹ).

- UBND cấp huyện: Nếu khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài.

Bước 3: Giải quyết cấp giấy khai sinh

Sau khi nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp hộ tịch có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xác minh hồ sơ, đối chiếu thông tin và tính hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ đã nhận được do người yêu cầu làm giấy khai sinh nộp, xuất trình.

Theo đó, nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận, báo cáo Chủ tịch UBND, lấy số định danh cá nhân, cấp giấy khai sinh cho người có yêu cầu. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu sót hoặc sai sót thì yêu cầu người đi đăng ký khai sinh bổ sung, hoàn thiện.

Trên đây là một số giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính lĩnh tư pháp. Trân trọng!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay530
  • Tháng hiện tại41,131
  • Tổng lượt truy cập6,832,169
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây