1. Lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch) năm 2021.
Như thường lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều lao động sẽ quan tâm tới ngày nghỉ kế tiếp là ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
…
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch);
…
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay (ngày 10/3 âm lịch, tức ngày 21/4/2021 dương lịch) rơi vào thứ tư - giữa tuần. Do vậy, người lao động chỉ được nghỉ 01 ngày duy nhất mà không được hoán đổi ngày nghỉ hay nghỉ kèm ngày cuối tuần như những năm trước đó.
Đối với những người lao động phải đi làm vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thì người lao động sẽ được trả lương tối thiểu bằng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường nếu làm việc ban ngày. Trường hợp làm ban đêm trong ngày Giỗ tổ thì tổng tiền lương mà người lao động nhận được bằng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
2. Lịch nghỉ lễ Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch) và Quốc tế lao động (ngày 01 tháng 5 dương lịch) năm 2021.
Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
…
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
…
Theo đó, nghỉ ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động, người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày.
Mặt khác, ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (01/5) của năm 2021 rơi vào thứ Sáu và thứ Bảy nên căn cứ vào khoản 3 Điều 111 BLLĐ năm 2019, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Đồng nghĩa với đó, người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ được nghỉ bù ngày thứ Bảy vào thứ Hai của tuần tiếp theo. Như vậy, trong dịp lễ này, người lao động theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ được nghỉ 04 ngày liên tục từ ngày 30/4/2021 đến hết ngày 03/5/2021.
Trong khi đó, người lao động làm việc tại doanh nghiệp không áp dụng chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật thì chỉ được nghỉ 02 ngày theo quy định.
3. Chế độ lương - thưởng ngày 30/4 và 01/5 có gì đặc biệt?
Theo Điều 112 BLLĐ năm 2019 đã dẫn chiếu ở trên, ngày 30/4 và 01/5, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có thể đề nghị người lao động đi làm vào những ngày này nhưng phải được người lao động đồng ý.
Khi được nghỉ lễ dài ngày, chế độ lương - thưởng luôn là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm. Trong dịp 30/4 và 01/5 năm 2021 này, người lao động được hưởng lương - thưởng như sau:
3.1. Tiền lương
- Không đi làm ngày lễ: Theo khoản 1 Điều 112 BLLĐ năm 2019, ngày 30/4 và 01/5, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương. Do đó, nếu nghỉ 02 ngày này, người lao động được hưởng 100% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm ngày lễ (ban ngày): Người lao động đi làm vào ngày 30/4 và 01/5 được tính là làm thêm giờ.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 98 BLLĐ năm 2019, người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ thì được hưởng ít nhất bằng 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.
Do đó, nếu tính cả lương được trả cho ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm vào ban đêm của ngày lễ: Theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2019, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm sẽ được hưởng thêm lương làm việc vào ban đêm và lương làm thêm giờ của công việc bình thường, đồng thời được hưởng thêm 20% tiền lương của công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó.
Và như vậy, người lao động làm việc vào ban đêm của ngày 30/4 và 01/5 được hưởng tối thiểu 490% lương của ngày làm việc bình thường (nếu tính cả lương của ngày nghỉ).
3.2. Thưởng 30/4 - 01/5
Chế độ thưởng sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 104 BLLĐ năm 2019, cụ thể:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Theo đó, việc thưởng cho người lao động vào dịp 30/4 và 01/5 là không bắt buộc và sẽ do người sử dụng lao động tự quyết định. Mức thưởng nhiều hay ít, có hay là không sẽ phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, nếu các bên đã thỏa thuận về thưởng dịp này trong hợp đồng lao động, ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế riêng của doanh nghiệp thì việc thưởng bắt buộc phải thực hiện.
Có một điểm đáng chú ý được áp dụng từ năm 2021, đó là ngoài tiền, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác. Như vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng các sản phẩm của công ty, các chuyến du lịch, vé tàu xe,… để thưởng cho người lao động.
Trên đây là lịch nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch), ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch) và ngày Quốc tế lao động (ngày 01 tháng 5 dương lịch) năm 2021 cùng một số lưu ý về tiền lương, thưởng dịp này.
LĐ-TB&XH PHƯỜNG LONG HOA
Ý kiến bạn đọc