Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia; người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số, chia sẻ dữ liệu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổ công nghệ số phường Hiệp Tân đã đóng một vai trò hết sức quan trọng; góp phần rất lớn trong việc đưa công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; góp phần từng bước xây dựng nền tảng chính quyền số ở địa phương.
Tổ công nghệ số phường Hiệp Tân có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong 5 khu phố. Cụ thể: về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn. Về kinh tế số, Tổ đã hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm... quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của phường Hiệp Tân. Về xã hội số, Tổ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, xác định mã định danh cá nhân... thông qua các nền tảng số.
Tổ công nghệ số phường Hiệp Tân đã triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong 5 khu phố (như cài ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công...); tạo nhóm Zalo gồm nhiều người dân trong khu phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên. Tại trụ sở UBND phường Hiệp Tân, các phần mềm ứng dụng trong công việc được tuyên truyền và triển khai sử dụng hiệu quả và ngày càng phát huy tác dụng cao như phần mềm Một cửa điện tử; phần mềm hộ tịch; phần mềm chứng thực điện tử; phần mềm Egov; dịch vụ công và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên tất cả các lĩnh vực ở cả 2 cấp tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giao dịch hành chính, nhất là việc nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời triển khai áp dụng việc thanh toán trực tuyến đối với tất cả các thủ tục có phát sinh phí, lệ phí ở cả hai cấp. Ngoài ra, phường Hiệp Tân còn tăng cường ứng dụng thư điện tử; tương tác qua mạng xã hội Zalo nhóm để phục vụ cho công việc. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại cơ quan đạt 100%. Các loại văn bản thường được trao đổi qua hệ thống gồm có: thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, công văn, báo cáo, kế hoạch, lịch công tác, văn bản quy phạm pháp luật... Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông 3 cấp được triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt như: hồ sơ được thực hiện qua mạng, kiểm soát được quy trình, thời gian xử lý công việc, vì vậy, hạn chế được tình trạng văn bản quá hạn xử lý, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm phục vụ cho việc in ấn, gửi nhận văn bản. 100% cán bộ, công chức thành phố và phường, xã được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, tỷ lệ thường xuyên đăng nhập để xử lý công việc đạt 95%.
Thời gian tới, phường Hiệp Tân cam kết sẽ quyết tâm cao trong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ tại địa phương hơn nữa để tăng dần số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến ở cấp độ 3 và 4, đặc biệt ưu tiên cho những dịch vụ công thiết yếu. Việc triển khai và phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số phường Hiệp Tân đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại địa phương, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa bàn.
Triều Dương – Phường Hiệp Tân
Tác giả: Triều Dương - Phường Hiệp Tân
Ý kiến bạn đọc