Lịch sử không thể nào quên cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary

Thứ năm - 04/01/2024 08:19 8.174 0
Trong công cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn cho đến ngày thắng lợi. Thế nhưng, khi Campuchia giành được độc lập vào ngày 17/4/1975, ngay lập tức tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary cầm quyền đã trở mặt, phản bội đồng chí mình, Nhân dân mình vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và sự xúi giục, chống lưng của thế lực nước lớn bên ngoài. Trên đất nước Campuchia, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã tước đoạt khát vọng được sống hòa bình, ổn định và phát triển đất nước của người dân Campuchia, thi hành chính sách diệt chủng thảm khốc, tàn sát dân thường, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người vô tội; phá hủy trường học, bệnh viện, chùa chiền, biến nhà chùa, trường học thành nhà tù, trại giam...
Hình: Bia chứng tích tội ác của Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, nơi 11 thầy cô giáo bị thảm sát 
Hình: Bia chứng tích tội ác của Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, nơi 11 thầy cô giáo bị thảm sát 

Gọi là “Nhà nước Campuchia Dân chủ”, nhưng thực chất là chế độ phát xít độc tài, một cỗ máy thảm sát vô nhân tính đối với Nhân dân, những người bất đồng chính kiến, những người cách mạng Campuchia chân chính. Pol Pot tuyên bố: “dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”. Lực lượng cách mạng Campuchia lúc bấy giờ trong tình thế “ngồi chờ cái chết”. Riêng đối với Việt Nam, Pol Pot - Ieng Sary thực hiện đường lối đối ngoại thù địch, phá hoại, ra sức xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1” và cuối cùng một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã diễn ra. Ngay từ những ngày cuối tháng 4/1975, giữa lúc cả dân tộc ta đang dốc toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam thì Pol Pot đã điều lực lượng vũ trang đóng chốt sát đường biên giới Tây Nam nước ta, khiêu khích quân sự, di dời cột mốc biên giới; xua quân đánh ra đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu thuộc chủ quyền Việt Nam. Chỉ trong các năm 1975 - 1977, Pol Pot đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới nước ta. Ở tuyến biên giới Tây Ninh, ngoài lực lượng quân sự làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường biên và quan hệ đối ngoại, Pol Pot còn tổ chức các đơn vị chủ lực, như: sư đoàn 3 và tiểu đoàn 104 thuộc Q3, tiểu đoàn 9 thuộc vùng 203, tiểu đoàn 75 và tiểu đoàn 25 hoạt động sát đường biên. Chúng tăng cường xây dựng trận địa và lập ra các công sự cập đường biên, sẵn sàng gây xung đột với lực lượng bảo vệ biên giới của ta. Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, quân Pol Pot đã thâm nhập địa giới Tây Ninh, gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang với ta; tổ chức gài mìn dọc theo biên giới, thậm chí vào trong nội địa Tây Ninh ở Tà Nốt, Tà Đạt (huyện Tân Biên); bắt dân, đốt phá nhà cửa, hoa màu; cho lực lượng vũ trang cải dạng thành dân thường, xâm canh lấn chiếm đất đai, tạo những điểm tranh chấp nhập nhằng ở Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu. Đêm ngày 30/4/1977, khi Nhân dân Việt Nam đang hân hoan kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, quân Pol Pot bất ngờ mở cuộc tấn công đồng loạt vào 14/16 xã trên biên giới thuộc tỉnh An Giang, sau đó mở rộng ra toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam, gồm các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp và Tây Ninh. Riêng tại Tây Ninh, đêm 24 rạng sáng ngày 25/9/1977, quân Khmer đỏ đã huy động một lực lượng lớn quân đội, gồm sư đoàn 3, sư đoàn 4, trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu, Tân Biên và lan rộng ở hầu hết 18 xã thuộc 04 huyện biên giới của tỉnh. Chúng đốt phá, cướp bóc, tàn sát Nhân dân Tây Ninh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Hành động giết hại đồng bào Tây Ninh của Khmer đỏ man rợ như thời trung cổ: chôn sống, chặt người làm nhiều khúc, chặt đầu, chặt tay chân, mổ bụng, moi gan, đập đầu, cắt cổ, rạch miệng, hãm hiếp phụ nữ, xé xác trẻ em ném vào lửa, mổ bụng phụ nữ có thai, ném xác người xuống giếng… Riêng xã Tân Lập huyện Tân Biên đã có 506 người bị giết hại, trong đó có 11 giáo viên một trường tiểu học bị sát hại tập thể, 22 người bị trói và bị thiêu cháy trong một ngôi chùa, nhiều gia đình, nhiều hầm trú ẩn có 16, 17 người bị tàn sát tập thể…; huyện Bến Cầu có 230 người bị tàn sát; huyện Châu Thành có 87 người. Đồng thời, quân đội Pol Pot còn sử dụng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư, với ý đồ dọn đường cho lực lượng bộ binh đánh thọc sâu vào thị xã Tây Ninh. Sau một thời gian bị động đối phó, lực lượng vũ trang tỉnh cùng với lực lượng của Quân khu 7 tích cực mở các đợt phản công vào các khu vực bị quân Pol Pot chiếm đóng, đẩy chúng lùi dần về bên kia biên giới. Từ tháng 01/1978, các lực lượng ta lui về giữ biên giới, chủ động đề xuất thương lượng hòa bình, nhưng Pol Pot kiên quyết từ chối, tiếp tục đưa quân áp sát biên giới, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Chúng huy động 7 - 8 sư đoàn chủ lực, cùng với lực lượng địa phương các vùng 20, 23 áp sát toàn tuyến biên giới Tây Ninh, lấn vào nội địa ta có nơi đến 10 km, tổ chức nhiều toán trinh sát luồn sâu gài trái, sát hại người dân Tây Ninh, thăm dò lực lượng ta. Dùng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư ở thị xã Tây Ninh, Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên gây nhiều thiệt hại cho tỉnh. Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc Được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân khu, Tỉnh ủy và Ủy ban, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các lực lượng trên triển khai các biện pháp tích cực trong phòng thủ, tạo thế ổn định trên tuyến biên giới; động viên kịp thời sức người, sức của phía sau chi viện cho phía trước, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang, du kích, tổ chức truy quét địch trong nội địa, đập tan nhiều nhen nhóm chính trị vũ trang phản động, bắt những tên đầu sỏ. Ngày 26/03/1978, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Tây Ninh của Tư lệnh Quân khu, ngày 24/4/1978, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, chỉ đạo nhanh chóng tiến hành xây dựng một hệ thống phòng thủ biên giới thật vững chắc, có thế chiến đấu liên hoàn, lực lượng chiến đấu mạnh; quy hoạch lại các điểm dân cư, xây dựng xã, ấp chiến đấu. UBND tỉnh ban hành chỉ thị huy động lực lượng dân công trong tỉnh, kể cả các sở, ngành, xí nghiệp, trường học… đi làm nghĩa vụ xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, mỗi người là 10 ngày, sau đó luân phiên có mặt trên công trường thi công 27 tiểu đoàn mỗi ngày (tương đương 10.800 người); huy động vật tư, xe máy tập trung cao nhất cho xây dựng, kể cả của công và của tư nhân. Các máy cày tư nhân làm nghĩa vụ cày 20 mẫu ruộng, nếu là trâu bò thì cày 02 mẫu ruộng biên giới để Nhân dân kịp làm mùa; mỗi người dân vót 200 cây chông, mỗi công nhân viên nhà nước vót 100 cây, đồng thời hết sức tranh thủ sự chi viện vật tư, xe máy, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp trên và sự đóng góp sức người, sức của của Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngàn đồng bào Tây Ninh ra biên giới xây bờ thành, đắp lũy, đào hào, vót chông. Sức mạnh to lớn của thế trận chiến tranh Nhân dân một lần nữa lại được khẳng định. Thế trận quốc phòng toàn dân vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, vừa ra sức ổn định đời sống, vừa tập trung chăm lo cho lực lượng vũ trang chiến đấu phía trước, chiến đấu đạt hiệu quả cao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ được biên giới, bảo vệ được dân, đẩy địch vào thế suy yếu toàn diện, mở đầu cho bước phát triển mới của chiến tranh bảo vệ biên giới. Cùng với lực lượng vũ trang Quân khu, lực lượng vũ trang Tây Ninh phát triển, mở rộng tiến công sang đất Campuchia, đẩy địch vào thế bị động. Ngày 02/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, do ông Hên Xomrin làm Chủ tịch. Theo mong muốn và yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam, trong đó có lực lượng Tây Ninh, phối hợp với lực lượng cách mạng bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (ngày 07/01/1979), giải phóng đất nước Campuchia. Một lần nữa, đất nước Campuchia trở thành tiền tuyến lớn của những người chiến sĩ cộng sản quốc tế cao cả. Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng đã trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho cuộc cách mạng hồi sinh dân tộc Campuchia. Đất nước Campuchia được giải phóng, chủ quyền biên giới phía Tây Nam Tổ quốc Việt Nam được bảo vệ vững chắc. Trong 450 ngày đêm trực tiếp chiến đấu và phối thuộc chiến đấu cùng các lực lượng trên, quân và dân Tây Ninh đánh trên 1.000 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 4.596 quân phản động Pol Pot, bắt sống 322 tên, diệt 1 tiểu đoàn và 5 đại đội, đánh tan rã 1 trung đoàn và 3 tiểu đoàn, thu 1.969 súng các loại, 19 tấn đạn, diệt 7 xe tăng, thu 7 xe vận tải, gỡ và phá 13.623 quả mìn, giải phóng 6.518 ha đất đai. Đóng góp những chiến công lớn, có 161 lượt cán bộ, chiến sĩ Tây Ninh được trao tặng Huân chương; đồn Xa Mát và Phước Tân được tuyên dương Anh hùng. Để có được thắng lợi to lớn đó, quân và dân Tây Ninh đã phải chịu những tổn thất không hề nhỏ. Có 3.456 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị Pol Pot giết hại, 800 căn nhà bị thiêu cháy, hàng loạt xã ấp bị tàn phá nặng nề. Riêng xã Tân lập, huyện Tân Biên, quân Pol Pot đã sát hại tổng cộng 592 người, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết không còn một ai. Sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia bị đánh đổ, đường biên giới Việt Nam - Campuchia đã trở lại bình yên. Với tinh thần giúp bạn cũng là tự giúp mình, cùng với các tỉnh và lực lượng trên, tỉnh Tây Ninh đã cử nhiều đoàn chuyên gia và hỗ trợ nhiều nhân lực, của cải vật chất giúp tái thiết tỉnh Kompong Chàm (nay là hai tỉnh Kompong Cham và Tbong Khmum) trong 10 năm (1979 – 1989), góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia nói chung và giữa chính quyền, Nhân dân Tây Ninh với chính quyền, nhân dân Campuchia cập biên giới nói riêng. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định Nhân dân Việt Nam nói chung, Nhân dân Tây Ninh nói riêng, với tinh thần yêu nước vô vàn, ý chí độc lập, tự chủ luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Chiến thắng đó còn thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia; mối quan hệ hữu hảo, bang giao bền chặt giữa chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh với chính quyền và nhân dân các tỉnh Campuchia cập biên giới, đưa mối quan hệ Việt Nam - Campuchia bước vào thời kỳ mới: thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước. Cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã lùi xa 45 năm. Nhưng ký ức về những năm tháng ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Tây Ninh. Thắng lợi đó khẳng định, đoàn kết là truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam, tạo thành một sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù kẻ thù đó có hùng mạnh và tàn bạo đến đâu.

Tác giả: thị xã Hòa Thành ban tuyên giáo, Thanh Vi-BTG

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay8,119
  • Tháng hiện tại126,711
  • Tổng lượt truy cập6,747,633
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây