Câu hỏi cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở
dành cho tập thể Tổ hòa giải ở cơ sở năm 2024
Câu 1. Có nhận định cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024 “Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp” thì các mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
Hỏi: Theo các anh, chị thì nhận định đó đúng hay sai? Mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không? Vì sao?
Câu 2. Nguyễn Văn A (13 tuổi), lẻn vào nhà ông H là người cùng xóm với A, trộm chiếc điện thoại của ông H đem bán được 03 triệu đồng. Số tiền bán điện thoại được, A đem chơi game.
Sau khi phát hiện sự việc, ông H đã báo Công an về hành vi trộm cắp của A. Bà K là mẹ của A đề nghị Tổ Hòa giải tiến hành hòa giải giữa bà K và ông H, xin được bồi thường cho ông H để A không bị xử lý về hành vi trộm cắp.
Hỏi: Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải vụ việc này không? Vì sao?
Câu 3.Giữa chị X và mẹ chồng là bà Y nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp; chị X đề nghị mời Luật sư M tham gia hòa giải. Hòa giải viên nhận thấy vụ mâu thuẫn, tranh chấp giữa chị X và bà Y rất phức tạp, liên quan đến nhiều quy định của pháp luật nên cũng muốn mời Luật sư M tham gia cùng hòa giải.
Hỏi: Trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa chị X và mẹ chồng là bà Y, hòa giải viên có thể mời Luật sư M tham gia hòa giải không? Vì sao?
Câu 4. Vì sao Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2019, năm 2020, năm 2022 dành 01 chương (chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án? Nếu Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở thì có ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ở cơ sở không?
Câu 5. Từ thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương trong thời gian qua; Tổ Hòa giải có đề xuất, kiến nghị gì để sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở?
* Lưu ý:
- Bài dự thi gửi về Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh (địa chỉ: số 302 đường Cách mạng tháng 8, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh)
- Thời gian các Tổ hòa giải gửi bài dự thi chậm nhất đến hết ngày 31/10/2024.
(Kèm Kế hoạch số 983/KH-HĐPH ngày 24/4/2024 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh)
Tác giả: thị xã Hòa Thành phòng tư pháp
Ý kiến bạn đọc