Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Thứ ba - 12/09/2023 10:31 821 0

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ XOÁ BỎ MỌI HÌNH THỨC PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC
(Được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 4/1/1969, căn cứ theo Điều 19. Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981).

Các Quốc gia thành viên của Công ước này,

Xét rằng, Hiến chương của Liên Hợp Quốc dựa trên nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người, và rằng tất cả các Quốc gia thành viên đã cam kết sẽ có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng tổ chức Liên Hợp Quốc nhằm đạt được một trong những mục tiêu của Liên Hợp Quốc là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng và tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người của tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,

Xét rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người tuyên bố rằng, mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, và rằng tất cả mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do trong Tuyên ngôn, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, cụ thể như về chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc dân tộc.

Xét rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào.

Xét rằng, Liên Hợp Quốc đã lên án chủ nghĩa thực dân và tất cả các hành động chia rẽ và phân biệt liên quan đến nó dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ở đâu, và Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa ngày 14/12/1960 (theo Nghị quyết số 1514 (XV) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc) đã khẳng định và chính thức tuyên bố sự cần thiết phải xóa bỏ chủ nghĩa thực dân một cách nhanh chóng và vô điều kiện.

Xét rằng, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc ngày 20/10/1963 (theo Nghị quyết số 1940 (XVIII) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc) đã long trọng khẳng định sự cần thiết phải xóa bỏ nhanh chóng nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới, dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện của nó, và về sự cần thiết phải bảo đảm sự hiểu biết và tôn trọng nhân phẩm con người.

Tin tưởng rằng, bất cứ học thuyết nào về tính thượng đẳng dựa trên sự khác biệt về sắc tộc đều là sai lầm về mặt khoa học và đáng bị lên án về mặt đạo đức, đều bất công và nguy hiểm về mặt xã hội, và không thể có sự biện minh nào đối với sự phân biệt chủng tộc, cả trong lý thuyết cũng như trong thực tế, ở bất cứ đâu,

Khẳng định rằng, sự phân biệt giữa người với người dựa trên cơ sở sắc tộc, màu da và nguồn gốc dân tộc là trở ngại cho các quan hệ hữu nghị và hòa bình giữa các quốc gia, là yếu tố phá hoại hòa bình và an ninh giữa các dân tộc, cũng như phá hoại sự hòa hợp giữa những người đang chung sống trên và thuộc cùng một quốc gia,

Nhận thấy rằng, sự tồn tại của những hàng rào sắc tộc là xung đột với các lý tưởng của bất cứ xã hội con người nào.

Cảnh báo rằng, những biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc hiện đang còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới, thông qua những chính sách chia rẽ hoặc phân biệt của một số chính phủ dựa trên sự thượng đẳng về sắc tộc hoặc lòng hận thù, chẳng hạn như các chính sách của chế độ a-pác-thai, chính sách phân biệt hoặc chia rẽ.

Quyết tâm thông qua tất cả các biện pháp cần thiết để nhanh chóng xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào, cũng như phòng ngừa và chống lại các học thuyết và hành động phân biệt chủng tộc, nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc và xây dựng một cộng đồng quốc tế không có bất kỳ sự phân biệt hoặc phân chia nào về chủng tộc.

Ghi nhớ rằng, Công ước về chống phân biệt trong lao động và việc làm được Tổ chức Lao động quốc tế thông qua năm 1958 và Công ước chống sự phân biệt đối xử trong giáo dục được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc thông qua năm 1960.

Mong muốn rằng, thực hiện những nguyên tắc thể hiện trong Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc và đảm bảo sẽ thông qua một cách sớm nhất các biện pháp thực tế nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

PHẦN I

Điều 1.

1. Trong Công ước này, thuật ngữ "phân biệt chủng tộc" nghĩa là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc dân tộc hoặc sắc tộc, với mục đích hoặc có tác dụng vô hiệu hóa hay làm giảm sự thừa nhận, hưởng thụ hoặc thực hành, trên cơ sở bình đẳng, các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc về bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống công cộng.

2. Công ước này sẽ không áp dụng đối với những sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi mà một Quốc gia thành viên Công ước áp dụng giữa những người là công dân quốc gia đó và những người không là công dân quốc gia đó.

3. Không một điều nào trong Công ước này được hiểu với ý nghĩa nhằm tác động dưới bất cứ hình thức nào tới các quy định pháp luật của các Quốc gia thành viên trong các vấn đề về quốc tịch, quyền công dân hoặc nhập quốc tịch, với điều kiện là những quy định như vậy không mang tính chất phân biệt chống lại bất cứ một dân tộc cụ thể nào.

4. Những biện pháp đặc biệt được thi hành với mục tiêu duy nhất là bảo đảm sự tiến bộ thích đáng của một số nhóm chủng tộc, sắc tộc hoặc cá nhân nhất định, mà sự bảo vệ ấy là cần thiết để đảm bảo cho các nhóm hoặc các cá nhân đó được hưởng thụ các quyền con người và các tự do cơ bản, sẽ không bị coi là sự phân biệt chủng tộc; tuy nhiên, với điều kiện là những biện pháp đó cuối cùng sẽ không dẫn tới việc duy trì những quyền riêng cho những nhóm chủng tộc khác nhau, và những biện pháp đó sẽ phải được chấm dứt khi mục tiêu đặt ra đã đạt được.

Điều 2.

1. Các Quốc gia thành viên lên án sự phân biệt chủng tộc và cam kết theo đuổi bằng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn một chính sách xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào và thúc đẩy sự hiểu biết giữa tất cả các chủng tộc, và với mục tiêu này:

a. Mỗi Quốc gia thành viên cam kết sẽ không tham dự vào hoặc tiến hành các hành động phân biệt chủng tộc chống lại các cá nhân, nhóm người hay tổ chức nào, và đảm bảo rằng, mọi quan chức chính quyền cũng như các cơ quan nhà nước, ở cấp độ quốc gia và địa phương, sẽ hành động phù hợp với những nghĩa vụ này;

b. Mỗi Quốc gia thành viên cam kết không bảo trợ, bảo vệ hoặc giúp đỡ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào;

c. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ có những biện pháp hữu hiệu để rà soát lại các chính sách của chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương và sẽ sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa bất cứ đạo luật hay quy định nào có thể tạo ra hoặc tạo điều kiện cho sự phân biệt chủng tộc ở bất cứ đâu;

d. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ ngăn cấm và xóa bỏ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người nào bằng mọi biện pháp thích hợp, bao gồm cả bằng biện pháp lập pháp nếu thấy cần thiết;

e. Mỗi Quốc gia thành viên cam kết sẽ khuyến khích, ở nơi nào thấy phù hợp, các tổ chức và phong trào liên kết đa chủng tộc, cũng như các biện pháp khác nhằm xóa bỏ sự ngăn cách giữa các chủng tộc, và hạn chế bất cứ điều gì có thể làm tăng sự phân biệt chủng tộc.

2. Các Quốc gia thành viên, trong trường hợp cho phép, sẽ có những biện pháp đặc biệt và cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và những lĩnh vực khác để đảm bảo sự phát triển thích đáng và bảo vệ một số nhóm chủng tộc hoặc cá nhân thuộc các chủng tộc đó, với mục đích nhằm giúp họ được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người và tự do cơ bản. Những biện pháp này trong mọi trường hợp không được dẫn tới việc duy trì sự bất bình đẳng hoặc các quyền riêng cho những nhóm chủng tộc khác nhau sau khi mục tiêu đề ra đó thực hiện.

Điều 3.

Các Quốc gia thành viên đặc biệt lên án sự phân biệt chủng tộc và chế độ A-pác-thai, và cam kết sẽ ngăn chặn, cấm, và xóa bỏ tất cả những hoạt động mang tính chất này trên các lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.

Điều 4.

Các Quốc gia thành viên lên án tất cả các hành động tuyên truyền và tất cả các tổ chức dựa trên những ý tưởng hoặc học thuyết về tính thượng đẳng của một chủng tộc hoặc của một nhóm người cùng chung một màu da hay một nguồn gốc sắc tộc, hay những học thuyết cố gắng biện minh hoặc khuyến khích sự hằn thù chủng tộc và sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, và cam kết sẽ thông qua những biện pháp nhanh chóng và tích cực nhằm xóa bỏ tất cả những sự kích động hoặc các hành vi phân biệt như vậy, và để thực hiện mục tiêu này, tính đến các nguyên tắc đề ra trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các quyền quy định trong Điều 5 Công ước này, ngoài những việc khác, sẽ:

1. Tuyên bố mọi hành động gieo rắc các ý tưởng dựa trên tính thượng đẳng về chủng tộc hoặc sự căm thù, kích động phân biệt chủng tộc cũng như mọi hành vi bạo lực hoặc kích động những hành vi bạo lực chống lại bất cứ chủng tộc nào hoặc nhóm người nào khác màu da hoặc khác nguồn gốc dân tộc là tội phạm và sẽ bị pháp luật trừng trị; đồng thời cũng tuyên bố như vậy đối với việc hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm sự hỗ trợ về tài chính, cho các hoạt động phân biệt chủng tộc;

2. Tuyên bố là bất hợp pháp và cấm những tổ chức, việc tổ chức và tất cả những hoạt động tuyên truyền khác mà khuyến khích và kích động sự phân biệt chủng tộc, và quy định mọi sự tham dự vào các tổ chức hoặc hoạt động như vậy sẽ bị coi là tội phạm và sẽ bị pháp luật trừng trị;

3. Không cho phép các nhà cầm quyền hoặc các cơ quan nhà nước, cả ở cấp quốc gia và địa phương, khuyến khích hoặc kích động sự phân biệt chủng tộc.

Điều 5.

Phù hợp với những nghĩa vụ cơ bản nêu trong Điều 2 Công ước này, các Quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc hưởng những quyền sau đây:

1. Quyền được đối xử bình đẳng trước các tòa án cũng như trước các cơ quan tài phán khác;

2. Quyền an ninh cá nhân và được nhà nước bảo vệ chống lại những hành vi bạo lực hoặc gây xâm hại đến thân thể do các nhân viên nhà nước gây ra hoặc do bất cứ cá nhân, nhóm người hoặc cơ quan nào gây ra;

3. Những quyền về chính trị, đặc biệt là quyền về bầu cử - được đi bầu và được ứng cử - trên cơ sở phổ thông đầu phiếu, quyền được tham gia vào chính phủ cũng như các hoạt động công cộng khác ở mọi cấp và được bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ Công cộng;

4. Các quyền dân sự khác, đặc biệt là:

a. Quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia;

b. Quyền được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình, và được quay trở lại nước mình;

c. Quyền có quốc tịch;

d. Quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu;

e. Quyền sở hữu tài sản riêng cũng như sở hữu chung với những người khác;

f. Quyền thừa kế;

g. Quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo;

h. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí;

i. Quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình;

5. Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, cụ thể là:

a. Quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc tương đương, được trả công công bằng và thích đáng;

b. Quyền được thành lập và tham gia các nghiệp đoàn;

c. Quyền có nhà ở;

d. Quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội;

e. Quyền được giáo dục và đào tạo;

f. Quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa.

6. Quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng nào, ví dụ như các phương tiện giao thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, các quán giải khát, nhà hát, công viên.

Điều 6.

Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo cho tất cả mọi người thuộc thẩm quyền tài phán của mình sự bảo vệ và các giải pháp khắc phục, bồi thường hiệu quả, thông qua các tòa án và cơ quan tài phán quốc gia có thẩm quyền, để chống lại bất cứ hành động phân biệt chủng tộc nào trái với Công ước này mà vi phạm các quyền con người và tự do cơ bản của họ, cũng như quyền được khắc phục và bồi thường xứng đáng cho những thiệt hại do hành vi phân biệt chủng tộc đó gây ra, thông qua các tòa án và các cơ quan tài phán kể trên.

Điều 7.

Các Quốc gia thành viên cam kết sẽ thông qua những biện pháp khẩn trương và hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy, giáo dục, văn hóa và thông tin, nhằm chống lại các định kiến có thể dẫn tới phân biệt chủng tộc và để khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa các quốc gia và các nhóm chủng tộc, sắc tộc, cũng như để tuyên truyền các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, cũng như của Công ước này.

PHẦN II

Điều 8.

1. Sẽ thành lập một Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (sau đây gọi tắt là Ủy ban) gồm 18 chuyên gia có đạo đức tốt và được công nhận là công bằng, vô tư, do các Quốc gia thành viên bầu ra một cách độc lập từ các công dân của các Quốc gia thành viên, có cân nhắc đến sự sắp xếp cân bằng về mặt địa lý và tính đại diện của những nền văn minh khác nhau cũng như những hệ thống luật pháp chủ yếu.

2. Các thành viên của Ủy ban sẽ được bầu ra bằng phiếu kín từ danh sách những ứng cử viên do các Quốc gia thành viên giới thiệu. Mỗi Quốc gia thành viên có thể đề cử một ứng cử viên là công dân của nước mình.

3. Cuộc bầu cử đầu tiên sẽ được thực hiện sau khi Công ước này có hiệu lực 6 tháng. Ít nhất 3 tháng trước ngày tiến hành mỗi cuộc bầu cử. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phải có thư gửi cho các Quốc gia thành viên mời họ đề cử ứng cử viên trong vòng 2 tháng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuẩn bị một danh sách theo thứ tự chữ cái tên của những người được đề cử, nêu rõ họ được Quốc gia thành viên nào đề cử và gửi danh sách này cho các Quốc gia thành viên.

4. Việc bầu cử các thành viên của Ủy ban sẽ được thực hiện tại phiên họp toàn thể của các Quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu tập tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp này, ít nhất phải có 2/3 số Quốc gia thành viên tham dự. Những người được bầu vào Ủy ban phải là những ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất và phải đạt đa số phiếu tuyệt đối trong tổng số phiếu bầu do đại diện các Quốc gia thành viên tham dự cuộc họp bầu ra.

5. a. Các thành viên của Ủy ban sẽ phục vụ với nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của 9 thành viên được bầu trong cuộc bầu cử đầu tiên sẽ chấm dứt sau 2 năm; ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên, danh sách 9 thành viên này sẽ chủ tịch Ủy ban chọn bằng cách bốc thăm;

b. Trong trường hợp bất chợt bị thiếu người thì Quốc gia thành viên có người thôi làm thành viên của Ủy ban sẽ được cử người khác là công dân của nước mình thay thế, người này phải được Ủy ban chấp nhận.

6. Các Quốc gia thành viên sẽ chịu trách nhiệm về các chi phí cho các thành viên của Ủy ban khi các thành viên này thực thi nhiệm vụ của Ủy ban.

Điều 9.

1. Các Quốc gia thành viên cam kết sẽ trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc một báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp, cũng như các biện pháp khác mà họ đó thông qua nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước này để Ủy ban đánh giá;

a. Trong vòng một năm sau khi Công ước này có hiệu lực với Quốc gia thành viên đó;

b. Sau mỗi giai đoạn hai năm và bất cứ khi nào Ủy ban yêu cầu. Ủy ban cũng có thể yêu cầu các Quốc gia thành viên cung cấp thêm các thông tin khác có liên quan.

2. Ủy ban phải gửi báo cáo hàng năm, thông qua Tổng Thư ký, đến Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về các hoạt động của mình, đồng thời có thể đưa ra những bình luận và khuyến nghị chung trên cơ sở xem xét các báo cáo và thông tin gửi đến từ các Quốc gia thành viên. Những bình luận và khuyến nghị chung này sẽ được trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cùng với những bình luận của các Quốc gia thành viên, nếu có.

Điều 10.

1. Ủy ban sẽ thông qua nguyên tắc thủ tục hoạt động của mình.

2. Ủy ban sẽ bầu ra các quan chức của mình với nhiệm kỳ 2 năm.

3. Ban Thư ký Ủy ban sẽ do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chỉ định.

4. Thông thường, các cuộc họp của Ủy ban sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc.

Điều 11.

1. Nếu một Quốc gia thành viên cho rằng một nước thành viên khác không thực hiện đầy đủ các điều khoản của Công ước này thì có thể khiếu nại ra trước Ủy ban. Trong trường hợp đó, Ủy ban sẽ phải thông báo về khiếu nại đó với Quốc gia thành viên có Liên quan. Trong vòng 3 tháng, quốc gia nhận được khiếu nại phải có văn bản gửi đến Ủy ban giải trình rõ về vấn đề, và đưa ra các giải pháp, nếu có, mà quốc gia này dự định sẽ áp dụng để giải quyết vấn đề.

2. Nếu vấn đề đưa ra không làm cả hai bên thỏa mãn, kể cả thông qua thương lượng song phương hoặc qua các thủ tục khác do hai bên lựa chọn; thì trong vòng 6 tháng kể từ khi quốc gia nhận được văn bản khiếu nại đầu tiên, mỗi quốc gia có quyền trình lại vấn đề lên Ủy ban bằng cách thông báo cho Ủy ban và cho quốc gia kia.

3. Ủy ban sẽ xem xét vấn đề phù hợp với khoản 2 điều này, sau khi đó chắc chắn rằng tất cả các giải pháp sẵn có trong nước đó được viện dẫn và tận dụng trong trường hợp này, và phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế mà đã được thừa nhận rộng rãi. Sẽ không được coi là thông lệ nếu sự áp dụng các giải pháp này bị kéo dài mà không có lý do chính đáng.

4. Liên quan đến mọi vấn đề được gửi đến, Ủy ban có thể yêu cầu các Quốc gia thành viên có liên quan cung cấp thêm các thông tin cần thiết.

5. Khi có bất kỳ vấn đề nào nảy sinh trong phạm vi điều này mà được Ủy ban xem xét, các Quốc gia thành viên có liên quan sẽ cử một đại diện cùng tham dự vào quá trình làm việc của Ủy ban nhưng không có quyền biểu quyết khi vấn đề còn đang được xem xét.

Điều 12.

1. a. Sau khi Ủy ban đó nhận được và đối chiếu mọi thông tin mà Ủy ban cho là cần thiết. Chủ tịch Ủy ban sẽ thành lập một Tiểu ban hòa giải tạm thời (sau đây được gọi là các Tiểu ban) gồm 5 người mà có thể là thành viên hoặc không phải là thành viên của Ủy ban. Các thành viên Tiểu ban phải được cả hai bên chấp nhận, và những ý kiến hòa giải của Tiểu ban sẽ giúp cho các quốc gia có Liên quan tìm ra giải pháp hữu nghị để giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng Công ước này;

b. Nếu trong vòng 3 tháng các Quốc gia thành viên có tranh chấp không nhất trí được với nhau về một phần hoặc toàn bộ thành phần của Tiểu ban, thì các thành viên của Tiểu ban mà không được các quốc gia tranh chấp chấp thuận sẽ được bầu bằng phiếu kín với đa số 2/3 trong số các thành viên của Ủy ban.

2. Các thành viên Tiểu ban sẽ phục vụ với tư cách cá nhân. Họ không được có quốc tịch của các Quốc gia thành viên đang tranh chấp, cũng như không được là người có quốc tịch của một quốc gia không là thành viên của Công ước này.

3. Tiểu ban sẽ tự chọn ra Chủ tịch Tiểu ban và thông qua những nguyên tắc thủ tục của mình.

4. Các cuộc họp của Tiểu ban thường được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc hoặc ở bất cứ địa điểm thích hợp nào mà Tiểu ban xác định.

5. Ban thư ký quy định tại khoản 3 Điều 10 Công ước này sẽ giúp Tiểu ban về mặt hành chính trong quá trình giải quyết các tranh chấp của các Quốc gia thành viên.

6. Các Quốc gia thành viên có tranh chấp sẽ chia đều các chi phí cho các thành viên của Tiểu ban, phù hợp với các dự toán do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc quy định.

7. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nếu thấy cần thiết, được phép chi trả trước những phí tổn dành cho các thành viên của Tiểu ban, sau đó các Quốc gia thành viên có tranh chấp phải bù lại theo khoản 6 của điều này.

8. Các thông tin do Ủy ban thu được và đối chiếu sẽ có ích đối với Tiểu ban, Tiểu ban cũng có thể yêu cầu các quốc gia liên quan cung cấp thêm các thông tin có liên quan.

Điều 13.

1. Khi Tiểu ban đã xem xét xong vấn đề, sẽ chuẩn bị một báo cáo trình lên Chủ tịch Ủy ban, trong đó chứa đựng tất cả những khía cạnh thực tế liên quan đến vấn đề giữa các bên tranh chấp và các khuyến nghị mà Tiểu ban cho là phù hợp để hòa giải sự tranh chấp.

2. Chủ tịch Ủy ban sẽ chuyển báo cáo này của Tiểu ban cho các Quốc gia thành viên đang tranh chấp. Các quốc gia này, trong vòng 3 tháng sau khi nhận được thông báo, sẽ phải báo cho Chủ tịch Ủy ban biết họ có chấp nhận hay không các khuyến nghị của Tiểu ban.

3. Sau thời gian quy định tại khoản 2 điều này, Chủ tịch Ủy ban sẽ chuyển báo cáo của Tiểu ban cùng với tuyên bố của các Quốc gia thành viên có liên quan đến các Quốc gia thành viên của Công ước này.

Điều 14.

1. Một Quốc gia thành viên có thể Tuyên bố vào bất cứ lúc nào rằng họ Công nhận thẩm quyền của Ủy ban được nhận và xem xét các thông tin từ các cá nhân hoặc nhóm cá nhân thuộc quyền tài phán của quốc gia đó khiếu nại về việc mà họ cho là nạn nhân của sự vi phạm bất cứ quyền nào nêu trong Công ước này của các Quốc gia thành viên đó. Ủy ban sẽ không tiếp nhận thông báo như vậy nếu nước thành viên có liên quan không tuyên bố điều này.

2. Bất cứ Quốc gia thành viên nào có tuyên bố như trong khoản 1 điều này cũng có thể thành lập hoặc chỉ định một cơ quan quốc gia có thẩm quyền nhận và xem xét các đơn khiếu tố của các cá nhân hay của những nhóm người thuộc quyền tài phán của Quốc gia thành viên đó, mà cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm bất cứ quyền nào trong Công ước này, và họ đã tận dụng hết các giải pháp có thể trong quốc gia để giải quyết.

3. Tuyên bố phù hợp với khoản 1 điều này và tên của bất cứ cơ quan nào được lập ra hoặc được chỉ định phù hợp với khoản 2 điều này sẽ được Quốc gia thành viên có liên quan gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi bản sao tuyên bố cho các Quốc gia thành viên khác. Quốc gia thành viên đã ra Tuyên bố như vậy có thể rút lại tuyên bố vào bất cứ lúc nào bằng một thông báo gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhưng sự rút lại sẽ không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết những khiếu nại còn tồn lại ở Ủy ban.

4. Sổ lưu những đơn khiếu nại sẽ do cơ quan quốc gia được thành lập hoặc chỉ định ra cất giữ phù hợp với khoản 2 điều này, và những bản sao có chứng thực của các đơn này sẽ được gửi và lưu giữ bởi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, theo những kênh thích hợp, để bảo đảm rằng nội dung các đơn khiếu nại này sẽ được giữ kín.

5. Trong trường hợp không thỏa mãn với cách giải quyết của những cơ quan được lập hoặc chỉ định ra như quy định trong khoản 2 điều này, bên nguyên đơn có quyền thông báo vấn đề với Ủy ban trong vòng 6 tháng.

6. a. Ủy ban sẽ thông báo cho Quốc gia thành viên có liên quan mọi thông tin về các khiếu nại đó, nhưng sẽ không được tiết lộ thông tin về các cá nhân hoặc nhóm các cá nhân có liên quan nếu như không được sự đồng ý rõ ràng của các cá nhân hoặc nhóm đó. Ủy ban sẽ không nhận những thông tin nặc danh;

b. Trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được thông tin, quốc gia có liên quan phải trình lên Ủy ban một văn bản, trong đó giải trình về vấn đề và nêu rõ các giải pháp, nếu có, mà quốc gia này có thể sẽ áp dụng để giải quyết vấn đề.

7. a. Ủy ban sẽ xem xét vấn đề trên cơ sở mọi thông tin có giá trị do Quốc gia thành viên có liên quan và do bên nguyên đơn cung cấp. Ủy ban sẽ không xem xét bất cứ thông tin nào của bên nguyên đơn nếu không biết chắc rằng bên nguyên đơn đó tận dụng hết mọi cơ chế sẵn có trong nước để giải quyết. Tuy nhiên, điều này sẽ không thành nguyên tắc nếu việc áp dụng các biện pháp bị trì hoãn kéo dài mà không có lý do thích đáng;

b. Ủy ban sẽ gửi các bình luận hoặc kiến nghị của mình, nếu có, cho Quốc gia thành viên có Liên quan hoặc bên nguyên đơn.

8. Ủy ban sẽ đưa vào báo cáo hàng năm của mình tóm tắt các khiếu nại, và trong điều kiện phù hợp, có thể đưa cả phần tóm tắt các giải trình của những Quốc gia thành viên có Liên quan, cũng như những bình luận và khuyến nghị của Ủy ban.

9. Ủy ban chỉ có thẩm quyền thực hiện các chức năng quy định tại điều này khi ít nhất có 10 Quốc gia thành viên Công ước đưa ra tuyên bố như quy định trong khoản 1 điều này.

Điều 15.

1. Trong khi thực hiện các mục tiêu của Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, được ban hành theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14/12/1960 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, các điều khoản của Công ước này sẽ không làm hạn chế quyền thỉnh cầu dành cho các dân tộc được quy định trong các văn kiện khác của Liên Hợp Quốc và của các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc.

2. a. Ủy ban được thành lập theo khoản 1 Điều 8 Công ước này sẽ nhận và chuyển những bản sao của các đơn khiếu nại, cùng với những bình luận và khuyến nghị có liên quan của Ủy ban, đến các cơ quan của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm giải quyết trực tiếp các vấn đề có liên quan đến nguyên tắc và mục tiêu của Công ước này, theo cơ chế giải quyết các khiếu nại của những người cư trú tại các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, cũng như ở tất cả các lãnh thổ khác mà được đề cập trong Nghị quyết 1514 (XV) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc;

b. Ủy ban sẽ nhận từ các cơ quan có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc bản sao các báo cáo liên quan tới các vấn đề về lập pháp, tư pháp, hành chính hoặc các biện pháp khác có liên quan trực tiếp đến các nguyên tắc và mục tiêu của Công ước này, mà được các cơ quan đã áp dụng trên các lãnh thổ đề cập tại tiểu mục a của khoản này, và sẽ trình bày ý kiến cũng như các khuyến nghị với các cơ quan đó.

3. Ủy ban cũng sẽ đưa vào báo cáo của mình gửi lên Đại Hội đồng phần tóm tắt các đơn khiếu nại cũng như các báo cáo mà Ủy ban đã nhận từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc, cùng với những bình luận và khuyến nghị của Ủy ban liên quan đến các báo cáo và đơn khiếu nại đó.

4. Ủy ban sẽ yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cung cấp những thông tin Liên quan đến các mục tiêu của Công ước mà hữu ích với Ủy ban, mà liên quan đến các lãnh thổ đề cập tại điểm 2a của điều này.

Điều 16.

Các điều khoản của Công ước này liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hoặc khiếu nại sẽ được áp dụng mà không ảnh hưởng đến các thủ tục giải quyết tranh chấp và khiếu nại khác trong lĩnh vực phân biệt chủng tộc mà được quy định tại các công ước khác do Liên Hợp Quốc hoặc các cơ quan chuyên môn của tổ chức này thông qua, và cũng không cản trở đến việc các Quốc gia thành viên áp dụng các thủ tục khác để giải quyết tranh chấp, phù hợp với các thỏa thuận quốc tế chung hoặc riêng đang có hiệu lực đối với các Quốc gia thành viên đó.

PHẦN III

Điều 17.

1. Công ước này để ngỏ cho các Quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc, hay bất cứ Quốc gia thành viên nào của Quy chế về Tòa án Công lý quốc tế, và bất cứ quốc gia nào khác do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mời làm thành viên của Công ước này ký.

2. Công ước này phải được phê chuẩn, văn bản phê chuẩn sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

Điều 18.

1. Công ước này để ngỏ cho bất cứ quốc gia nào được đề cập tại khoản 1 Điều 17 gia nhập.

2. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực khi văn bản gia nhập được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

Điều 19.

1. Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 27.

2. Với mỗi quốc gia phê chuẩn Công ước này hoặc gia nhập Công ước sau khi văn bản phê chuẩn hoặc văn bản gia nhập thứ 27 được lưu chiểu thì Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày lưu chiểu văn bản phê chuẩn hoặc văn bản gia nhập của quốc gia đó.

Điều 20.

1. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ nhận và chuyển cho tất cả các quốc gia là/ hoặc có thể sẽ là thành viên của Công ước những điều khoản bảo lưu của các Quốc gia thành viên đưa ra vào thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước. Bất cứ quốc gia nào phản đối điều bảo lưu đó, trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được thông tin trên, cần thông báo cho Tổng Thư ký là họ không chấp nhận sự bảo lưu đó.

2. Sự bảo lưu không thích hợp với mục tiêu và mục đích của Công ước này, cũng như những bảo lưu mà tác động của nó làm hạn chế công việc của bất cứ cơ quan nào được lập ra bởi Công ước này, sẽ không được chấp nhận. Một sự bảo lưu sẽ được coi là không thích hợp hoặc bị coi là cản trở các cơ quan được lập ra bởi công ước nếu bị ít nhất 2/3 số Quốc gia thành viên của Công ước này phản đối.

3. Một nước thành viên có thể rút lại sự bảo lưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Sự rút lại này sẽ có hiệu lực vào ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo đó.

Điều 21.

Một Quốc gia thành viên có thể tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng một thông báo bằng văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc bãi ước này sẽ có hiệu lực một năm sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo đó.

Điều 22.

Bất cứ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều Quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước này mà không dàn xếp được bằng con đường đàm phán hoặc bằng các thủ tục được quy định tại Công ước này, sẽ được chuyển đến Tòa án Công lý quốc tế để giải quyết, theo yêu cầu của bất cứ bên tranh chấp nào, trừ khi các bên tranh chấp đồng ý về phương thức giải quyết khác.

Điều 23.

1. Các Quốc gia thành viên có thể yêu cầu xem xét lại Công ước này bất cứ lúc nào bằng một văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

2. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ quyết định các bước, nếu cần thiết, để thực hiện các yêu cầu này.

Điều 24.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho các quốc gia đề cập tại khoản 1 Điều 17 của Công ước này các vấn đề sau:

1. Việc ký, phê chuẩn, và gia nhập theo các Điều 17 và 18;

2. Ngày có hiệu lực của Công ước theo Điều 19;

3. Các thông báo và tuyên bố nhận được theo các Điều 14, 20 và 23.

4. Việc bãi ước theo Điều 21.

Điều 25.

1. Công ước này, được làm bằng các thứ tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và sẽ được lưu chiểu tại cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc.

2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các báo cáo có chứng thực của Công ước này cho tất cả các quốc gia đã được đề cập trong khoản 1, Điều 17 của Công ước này.

 

 

Tác giả: thị xã Hòa Thành phòng tư pháp

Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay1,340
  • Tháng hiện tại104,521
  • Tổng lượt truy cập6,895,559
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây