Ông Bảy trải lòng về cơ duyên với tre Điền Trúc: "Nhà tôi có 03 công đất. Trước đây, trồng rau, củ, quả,…cũng cho thu nhập ổn định. Về sau, biết được giống tre Điền Trúc cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mua về trồng thử và nhân rộng. Đến nay có hơn 200 bụi".
Theo ông Bảy, so với trồng cây ăn trái, trồng tre lấy măng cho thu nhập ổn định vì nhu cầu của người tiêu dùng khá cao. Bên cạnh đó, vốn liếng đầu tư và khâu chăm sóc rất nhàn nhã... Ông cho biết "Trồng tre không khó, ít bệnh, chủ yếu là phải bón phân và tưới nước thường xuyên trong mùa khô. Ngoài ra, chỉ cần bón phân Urê và phân lân, phát dọn cành dư để tạo thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre, giữ lại gốc rễ để kích thích ra măng non…".
Được biết, nếu trồng đúng kỹ thuật, sau khi trồng hơn 1 năm, tre Điền Trúc sẽ cho thu hoạch. Các năm tiếp theo, tre sẽ cho măng nhiều hơn, rộ lên vào khoảng tháng 6 -7 âm lịch. Hiện nay, với giá bán 25.000 đồng/ký (Giá măng tre thời điểm nghịch mùa, dịp Tết có lúc lên đến 50.000 đồng/ký), mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ngoài thu hoạch măng, khi đốn tre già, tạo khoảng không thông thoáng, còn có thể thu được nguồn lợi từ bán thân tre, với giá 15.000 đồng/cây. Theo một số nông dân trồng tre lấy mang cho biết: "Măng, thân đều bán được. Lá tre thì ủ phân, bón gốc. Hiện nay, việc nhân rộng mô hình này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình là rất cần thiết".
Ngọc Thạch
Ý kiến bạn đọc