Theo Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, tại Khoản 1 Điều 13 về "Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế", quy định: Đối với các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế (mà không phải là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán), thì trước khi tiến hành tập trung kinh tế, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
b) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Về thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế về một trong các nội dung sau đây: Tập trung kinh tế được thực hiện; Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức. Tập trung kinh tế được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan; Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800; Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100; Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan. (Điều 14 Nghị định 35/2020/NĐ-CP).
Quy trình thẩm định tập trung kinh tế
Việc thẩm định chính thức với mục đích đánh giá tác động tích cực hoặc tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể.
Tác động tích cực gồm: Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Quốc tế; Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược quy hoạch của Nhà nước; Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể gồm: Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan; Mức độ tập trung trên thị trường liên quan; Mối quan hệ của các doanh nghiệp; Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại; Khả năng tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể; Khả năng loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường; Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế./.
Phòng Kinh tế thị xã Hòa Thành
Ý kiến bạn đọc