THÔNG TIN LUẬT CẠNH TRANH 2018 (LẦN 2)

Thứ ba - 22/06/2021 18:00 186 0

THÔNG TIN LUẬT CẠNH TRANH 2018 (LẦN 2)

Sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã dần bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật theo Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 và Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/6/2017 của Quốc hội khoá XIV. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 12/6/2018.

Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004, tại kỳ họp thứ 6. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã dần bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật theo Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 và Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/6/2017 của Quốc hội khoá XIV.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 12/6/2018, với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành thông qua.

So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới được xây dựng trên cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi, có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Luật quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm mục tiêu, thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước. Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Luật cũng quy định bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan vào đối tượng áp dụng nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Việc quy định mở rộng đối tượng áp dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp để thúc đẩy cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Thứ hai, sửa đổi và bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan nhà nước

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật tiếp tục quy định đồng thời có sửa đổi và bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước, theo đó, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện một số các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Quy định này là hết sức cần thiết bởi với quyền lực nhà nước được trao, cơ quan nhà nước có khả năng lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan nhà nước là một chủ thể đặc thù của Luật Cạnh tranh nên có quy định riêng để điều chỉnh.

Thứ ba, hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi

Quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thay vì quy định cấm dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận như trong Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể làm cơ sở quy định cấm đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm cả thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, ngoài những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất nghiêm trọng bị cấm theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Quy định của Luật cho phép kiểm soát mọi hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cả theo chiều ngang và theo chiều dọc, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Ngoài ra, Luật bổ sung quy định về chương trình khoan hồng được sử dụng như một công cụ của cơ quan cạnh tranh nhằm tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hoá.

Thứ tư, bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Luật quy định bổ sung thêm các yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Điều này là phù hợp đảm bảo xác định chính xác sức mạnh thị trường của doanh nghiệp và phản ánh đúng thực tiễn cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm được sửa đổi để phản ánh rõ bản chất hành vi thông qua việc nhấn mạnh yếu tố hậu quả và tác động của hành vi.

Thứ năm, thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế

Cách tiếp cận trong kiểm soát tập trung kinh tế trong Luật có sự thay đổi căn bản, theo đó tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh gắn với quyền tự do kinh doanh. Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như trong Luật Cạnh tranh năm 2004 mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế nếu việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường.

Với quy định như vậy, Luật đã thể hiện được quan điểm tiến bộ là luôn tôn trọng và cho phép doanh nghiệp được quyền thông qua hoạt động tập trung kinh tế để phát triển kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát bằng pháp luật để đảm bảo việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực tới môi trường cạnh tranh và chỉ can thiệp trong trường hợp việc tập trung kinh tế có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh.

Thứ sáu, hoàn thiện quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật không tiếp tục quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác, đồng thời bổ sung thêm hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới. Ngoài ra, Luật quy định trường hợp luật khác có quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật Cạnh tranh thì áp dụng quy định của luật đó.

Thứ bảy, tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi

Luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh). Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Luật quy định cụ thể mô hình, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhằm bảo đảm vị thế và tính độc lập của cơ quan này trong tiến hành tố tụng cạnh tranh qua đó tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Trong tố tụng cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tiến hành thông suốt các hoạt động tố tụng từ phát hiện, điều tra đến xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Thứ tám, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh

Các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh trong Luật đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ các khâu trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra cho đến xử lý và giải quyết khiếu nại. Trong mỗi khâu sẽ gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Điều này bảo đảm các hoạt động tố tụng cạnh tranh được rõ ràng, minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội có thể theo dõi, giám sát.

Theo quy định, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, vì vậy, cần có sự khẩn trương của các cơ quan liên quan, sự chung tay đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội để Luật có thể được thực thi ngay sau khi có hiệu lực, cụ thể:

Bộ Công Thương, Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật, phải nhanh chóng bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định bao gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật; Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải nhanh chóng lên phương án kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên cơ sở Nghị định của Chính phủ được ban hành. Bộ Công Thương cũng phải phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật.

Đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh phải hệ thống và rà soát lại toàn bộ nội dung các văn bản do mình ban hành để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp hoặc trái với quy định của Luật Cạnh tranh.

Các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực đưa tin, tuyên truyền nội dung của Luật Cạnh tranh để góp phần phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật cạnh tranh tới cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả luật này sau khi có hiệu lực.

Các cơ quan đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu cũng phải chủ động cập nhật chương trình đào tạo liên quan tới pháp luật cạnh tranh./.

Phòng Kinh tế thị xã Hòa Thành


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,924
  • Tháng hiện tại135,528
  • Tổng lượt truy cập6,756,450
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây