Thông tin về Luật Cạnh tranh 2018

Thứ năm - 03/06/2021 23:00 158 0

Thông tin về Luật Cạnh tranh 2018

Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Luật Cạnh tranh 2018 có 118 điều và 10 chương.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018 được mở rộng hơn so với Luật Cạnh tranh 2004. Cụ thể: Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh. Lý do mở rộng phạm vi điều chỉnh:

- Mục tiêu cơ bản của Luật Cạnh tranh là bảo vệ các quan hệ cạnh tranh, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Do đó, Luật Cạnh tranh cần kiểm soát mọi hành vi có tác động hoặc có khả năng xâm hại môi trường cạnh tranh.

- Thực tiễn thị trường xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường hay các giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam.

- Quy định của Luật Cạnh tranh 2004 chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi trên.

- Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới: Thoả thuận ấn định giá, phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giữa hơn 20 hãng hàng không lớn trên thế giới; vụ mua bán, sáp nhập giữa Western Digital và Hitachi; giữa Samsung và Seagate…

- Lợi ích của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh: xử lý triệt để các hành vi xâm hại cạnh tranh; góp phần tạo sự ổn định của nền kinh tế nội địa thông qua ổn định các yếu tố thị trường; tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2018 được mở rộng hơn so với Luật Cạnh tranh 2004, gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Lý do mở rộng đối tượng áp dụng:

- Quy định của Luật Cạnh tranh 2004 chưa đảm bảo bao quát hết các đối tượng, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hành vi cạnh tranh bị điều chỉnh;

- Đã xảy ra nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, như: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác;

- Nhiều tổ chức, cá nhân có vai trò trung gian vận động, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia vào các thoả thuận bị cấm hoặc cung cấp thông tin nhằm hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh lại không thuộc đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh 2004 nên không thể bị xử lý;

- Tác động tích cực của việc mở rộng đối tượng áp dụng.

Hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018): Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể gồm: Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh. Việc quy định như vậy để xác định chính xác sức mạnh thị trường của doanh nghiệp và phản ánh đúng thực lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.

Quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định. So với Luật Cạnh tranh 2004, một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được bổ sung là: Thỏa thuận phân chia khách hàng; thỏa thuận  ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác; thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Cùng với đó, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cũng được quy định mở rộng và cụ thể hơn tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh 2018 cũng bổ sung quy định chính sách khoan hồng để tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang có xu hướng ngầm hóa. Doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng được miễn hoặc giảm mức xử phạt khi tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra; khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm; hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.

Phòng Kinh tế thị xã Hòa Thành


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay7,463
  • Tháng hiện tại184,436
  • Tổng lượt truy cập4,770,368
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
hkg
e office
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây