TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2022)

Thứ sáu - 15/04/2022 14:23 2.942 0
Ngày 13/4/2022, Ban Tuyên giáo Thị uỷ vừa ban hành Công văn sao gửi Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022).
Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022); đồng thời, khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đề cương tuyên truyền như sau:

I. Chặng đường lịch sử, chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội (CNXH), phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.

Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

2. Những bước phát triển của cuộc kháng chiến

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt. Đảng và Nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

a. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên nguỵ quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược:

Một là, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước.

Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất nước nhà.

Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Trong ba năm (1958-1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận Nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên Nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

b. Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân. Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Ở miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

c. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968:  phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp Nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bầu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn.

Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

d. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh huỷ diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970-1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

e. Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi ký Hiệp định Pari, đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân viễn chinh khỏi Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam nước ta. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế Nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xoá bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã từng bước giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

f. Đối với Tây Ninh, sự kiện 30/4/1975 là bước ngoặt quan trọng, ghi nhận những nỗ lực của quân và dân tỉnh nhà trong cao trào cách mạng, liên tục tấn công và nổi dậy tự lực giải phóng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam

Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định, thời cơ giải phóng Sài Gòn-Gia Định đã hoàn toàn chín muồi: “Hiện nay ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều”. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh nhiệm vụ chung là tranh thủ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là:

1. Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình.

2. Phải tổ chức đánh địch liên tục để kìm chân sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81, và cả lực lượng địch ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Chấp hành tinh thần Chỉ thị đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.

Tỉnh uỷ cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là không để những phần tử phản động trong đạo Cao Đài lợi dụng chiến sự nóng bỏng, gây hoang mang trong dân chúng, cản trở bước tiến của quân giải phóng. Nếu địch rút quân vào nội ô Toà Thánh cố thủ chống trả lại, phải vừa bảo vệ được quần chúng tín đồ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa giữ nguyên được Đền Thánh, chợ Long Hoa và các công trình khác do Nhân dân ta xây đắp nên.

Tỉnh uỷ quyết định phân công các đồng chí Uỷ viên Thường vụ, Tỉnh uỷ viên cùng một số cán bộ chủ chốt khác về hỗ trợ và chỉ đạo ở các huyện; điều động hầu hết lực lượng thanh niên trong khối cơ quan vào lực lượng bộ đội tỉnh, huyện.

Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong vòng 20 ngày kể từ ngày 04 đến ngày 24/4/1975, trên 3.000 thanh niên, trung niên tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Ta tổ chức được 09 tiểu đoàn mới (trong đó có 02 đại đội là đồng bào đạo Cao Đài). Các tiểu đoàn 20, 22, 24, 26 được tập trung bổ sung cho lực lượng chủ lực tỉnh; 05 tiểu đoàn còn lại của các địa phương gồm Tân Biên: 01 tiểu đoàn, Châu Thành: 02 tiểu đoàn, Trảng Bàng 02 tiểu đoàn ở cánh Tây và Đông. Ngoài ra, Tân Biên còn thành lập thêm 13 đại đội độc lập. Như vậy, ở thời điểm đó, toàn tỉnh có 12 tiểu đoàn. Du kích xã cũng phát triển khá mạnh, có xã quân số lên đến đại đội, xã ít nhất cũng có 20 du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng.

Tỉnh uỷ triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mở rộng để quán triệt quyết tâm của Đảng và bàn kế hoạch cụ thể việc giải phóng tỉnh, giải phóng từng huyện và đặc biệt là giải phóng Thị xã - trung tâm đầu não của địch. Cùng thời gian đó, lực lượng vũ trang cách mạng đã áp sát quốc lộ 22, các thị trấn, thị xã.

Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Xuân Nhị và Nguyễn Thành Nghĩa - Tỉnh đội phó làm Chỉ huy phó; đồng chí Đặng Văn Lý (Mười Đôi) - Chính trị viên Tỉnh đội làm Chính trị viên.

Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chỉ huy Miền, đêm 24/4/1975, Tây Ninh dùng 03 tiểu đoàn 14, 18, 20 tổ chức đánh chiếm cầu Bàu Nâu, cắt đứt quốc lộ 22B không cho trung đoàn 49 thuộc sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn.

17 giờ, ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần tự lực giải phóng quê hương, quân dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy.

Toà Thánh là địa bàn phức tạp, lực lượng quân sự của địch tập trung đông và bố trí từng khu vực để khống chế quần chúng. Số đông chức sắc trong Hội Thánh lừng chừng, ngán ngại tiếp xúc với cách mạng. Trước tình hình trên, Tỉnh uỷ chỉ đạo dùng hai biện pháp chính trị và quân sự, tăng cường cán bộ chính trị để vận động quần chúng đấu tranh, mũi quân sự phải đánh đúng đối tượng.

Đêm 26/4, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh, ta đã triển khai địa bàn tấn công cho các tiểu đoàn gồm:

- Tiểu đoàn 20 đánh vào khu vực Long Hải.

- Tiểu đoàn 22 chia làm 3 mũi đánh chiếm các khu vực Lò Than, Trường Xuân, Trường Lưu.

- Tiểu đoàn 24 đánh chiếm khu vực Quy Thiện.

Các đội biệt động mật, du kích mật và quần chúng được lệnh chuẩn bị nổi dậy phối hợp nhịp nhàng với lực lượng vũ trang để giáng đòn quyết định.

Thế trận đã bày sẵn nhưng do hợp đồng chiến đấu chưa chặt nên đêm 26/4/1975, Ban Chỉ huy chiến dịch phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công, các đơn vị vẫn đứng chân ở vị trí tập kết. Nhưng tiểu đoàn 20 do tiếp nhận lệnh không kịp thời nên vẫn tiến hành tấn công đánh chiếm khu vực Trường Lưu, tiêu diệt tiểu đoàn 351, 01 đại đội bảo an của địch đóng tại đây và tổ chức bao vây đồn Trường Đức. Cũng trong đêm đó, lực lượng Tiểu đoàn 26 của Toà Thánh về Thị xã tiến đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn đội phòng vệ dân sự ở đây và đứng chân ở suối Bà Phụng, chuẩn bị tấn công vào trung tâm Thị xã.

Đêm 27/4/1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Tòa Thánh, Tiểu đoàn 24 đánh chiếm Quy Thiện và sáng ngày 28/4/1975, các đơn vị đều đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu. Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân bao vây bức rút, bức hàng... giải phóng hàng loạt đồn bót, dồn địch lui dần về khu vực trung tâm đầu não...

Ở Gò Dầu, ngày 26/4/1975, bộ đội huyện kết hợp với du kích và nhân dân tấn công các đồn trong huyện. Đến ngày 29/4/1975, huyện Gò Dầu cơ bản giải phóng, quân địch chỉ còn 02 bót ở chi khu Gò Dầu và Bàu Đồn.

Ở Trảng Bàng, khi lực lượng chủ lực và xe tăng của ta đi qua để xuống Củ Chi và sang Hậu Nghĩa, trong tình hình địch hoang mang dao động cao độ, Huyện uỷ hạ quyết tâm dồn hết lực lượng đồng loạt tấn công đều khắp địa bàn huyện. Ngày 27/4, lực lượng địa phương tấn công chiếm lĩnh Gia Huỳnh. Ngày 28/4, Tiểu đoàn 01 cánh Đông của huyện dùng 02 đại đội đánh vào chi khu Trảng Bàng và 01 đại đội kết hợp với du kích và nhân dân ở Gia Lộc, Lộc Hưng bao vây bức hàng đồn Rừng Cầy, Láng Liêm, Chùa Đá, Hốc Nai, Gia Tân, Bàu Hai Năm, Cầu Ván, Đồng Ớt và Chùa Mọi. Ngày 29/4, du kích An Tịnh với sự hỗ trợ của Nhân dân, bao vây các đồn Suối Sâu, Biện Sen, Bàu Tràm, Cây Dương, An Thới, buộc địch phải đầu hàng và nộp súng. Cùng ngày 29/4, quân địch ở 02 đồn Gia Bình và Tha La, trước sức ép của ta cũng buông súng đầu hàng. Đúng 16 giờ ngày 29/4, quân dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng ngụy quyền Trảng Bàng, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên quốc lộ 1 làm cho liên đoàn 33 biệt động quân của địch từ Gò Dầu chạy về Sài Gòn đến Trảng Bàng không có lối thoát buộc phải đốt xe, vất súng và đầu hàng. Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

 Tại huyện Dương Minh Châu, lực lượng huyện cùng với nhân dân bức hàng đồn Bàu Năng, Bàu Cóp, Chà Là trên tỉnh lộ 26, bọn lính ở các đồn này đầu hàng và được gom về tập trung tại trường học Ninh Hưng. Sau đó, bọn lính được thả về, chờ ngày ra trình diện. Đến 19 giờ, ngày 29/4/1975, huyện Dương Minh Châu cơ bản được giải phóng.

Ở huyện Châu Thành, ngày 29/4/1975, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện tiến vào khu tam giác Thanh Điền, Cao Xá, Thái Bình, hình thành thế bao vây Thị xã. Trong khi đó, một bộ phận chủ lực của tỉnh áp sát phía Nam Thị xã và một bộ phận Công an vũ trang đã lọt được vào trung tâm Thị xã.

Tại Thị xã, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, qua máy bộ đàm, đại diện Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh đã điện gọi tỉnh trưởng Bùi Đức Tài buộc phải ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng. Cùng lúc pháo binh của ta từ Núi Bà liên tục bắn vào Tiểu khu, Toà hành chính ngụy. Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, Biệt kích dù 81, Biệt động quân 33 và phần lớn thiết kỵ binh 3 tan rã và đầu hàng; các tiểu đoàn địa phương tinh thần rệu rã, không còn ý chí chiến đấu, cộng thêm kho vũ khí lớn nhất của Tiểu khu bị cháy, nổ (ngày 29/4) do pháo ta bắn trúng. Không chịu nổi những trận bão lửa của pháo binh ta, đến 10 giờ ngày 30/4/1975, Bùi Đức Tài - đại tá, Tỉnh trưởng Tây Ninh buộc phải qua máy bộ đàm liên lạc với ta và cử người ra gặp ta để xin đầu hàng.

Bùi Đức Tài cử 2 sĩ quan là Tạ Kim Lời - Tham mưu phó tiểu khu và Tô Minh Trưởng - Trưởng ban I đến gặp đại diện Sở chỉ huy của ta tại Bến Kéo báo cáo việc chấp hành lệnh hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.

10 giờ 30 phút, Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30/4/1975, Thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng (trước khi tổng thống ngụy quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30 phút).

11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, toàn bộ Ban chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tên tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương - Phước Ninh và các trưởng ty, do Bùi Đức Tài - Tỉnh trưởng dẫn đầu tập trung tại trụ sở xã Long Thành (Báo Quốc Từ, đối diện sân vận động Long Hoa) nhận quy chế đầu hàng do đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố. Thị xã Tây Ninh được tiếp quản hoàn toàn. Trung tâm Toà Thánh được bảo vệ trọn vẹn.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện... đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác. Nhờ đó, khi Thị xã được giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng đều hoạt động bình thường. Đó cũng là một thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng nhân dân tại chỗ.

Đến ngày 05/5/1975, ở Tây Ninh cơ bản đã kết thúc trình diện, theo danh sách đăng ký, tổng số có 30.503 tên, trong đó có 23.078 ngụy quân, 640 viên chức ngụy quyền, 1.543 Cảnh sát, 111 đảng viên Đảng Dân chủ của Thiệu; chiến lợi phẩm thu được gồm có: 79.969 súng các loại, 30 khẩu pháo 105 li, 7 khẩu pháo 155 li, 197 xe quân sự, 18 xe thiết giáp, 630 máy truyền tin, 3 tổng đài siêu tần số, 2l máy phát điện, 181 tấn đạn, 45 tấn gạo và nhiều nguyên vật liệu khác. Tài chính thu được 19.852.200 đồng tiền mặt, 36.930.000 tiền trưng thu của Ngân hàng và 348.426.000 tiền quỹ giá trị bằng phiếu.

Bằng sức mạnh tổng hợp được phát huy cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, quân dân Tây Ninh đã tự lực giải phóng tỉnh nhà, đồng thời góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn - hang ổ cuối cùng của nguỵ quyền([1]), hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được cấp trên giao, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc kéo dài 21 năm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Tây Ninh diễn ra dưới hình thái một cuộc chiến tranh nhân dân, là một quá trình đấu tranh liên tục, từ đấu tranh chính trị, tiến tới khởi nghĩa, rồi kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công. Tiêu diệt và làm tan rã sinh lực địch, đánh bại địch từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Thành quả cách mạng to lớn đó do nhiều nhân tố tạo nên, trong đó quan trọng nhất là đường lối chính trị và đường lối quân sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng, là lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần hy sinh vô bờ bến của Nhân dân và lòng tin sắt đá vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Thắng lợi của Nhân dân Tây Ninh đã góp phần cùng Nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Ý nghĩa lịch sử

- Đối với Việt Nam: Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên CNXH.

- Đối với thế giới: Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

4. Nguyên nhân thắng lợi

Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hai là, Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH và vì quyền con người.

Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bốn là, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Năm là, đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia; đoàn kết quốc tế.

5. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ ba: Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thứ tư: Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.

Thứ năm: Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

II. Thành tựu sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

1. Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà XHCN Việt Nam (từ 02/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Từ đó đến nay, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của Nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân. Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri. Nâng cao sức chiến đấu, vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được tăng cường. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ Nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.

2. Kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, văn hoá - xã hội có bước tiến bộ rõ nét. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, làm suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì là một trong số ít nước có tăng trưởng dương, GDP đạt 2,58%. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Trong năm 2021 đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409,1 triệu USD, tăng 28,6% so với năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; quy mô dự trữ ngoại hối đạt mức gần 105 tỷ USD, gấp gần 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước năm 2010 và gần 4 lần so năm 2015 – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Các loại thị trường từng bước được hình thành và phát triển, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới.

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008, Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD. Cũng trong giai đoạn này, tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%; Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Từ năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Vấn đề tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho đối tượng chính sách được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.

 3. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh. 47 năm qua, chúng ta đã bảo vệ được thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ hiểu biết về quốc phòng, an ninh và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

4. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO... Việt Nam tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại và môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước; xử lý đúng đắn và kịp thời các vấn đề nảy sinh trên biển, kiên trì thúc đẩy đối thoại, hợp tác giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tăng cường ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao y tế và ngoại giao vắc-xin, đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống đại dịch COVID-19; thúc đẩy nhiều dự án hợp tác trọng điểm với các đối tác quan trọng, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hàng hóa chủ lực (như nông sản, dệt may, da giày, điện tử...). Ngoại giao y tế và ngoại giao vắc-xin năm 2021 tạo cơ sở tiên quyết để nước ta từng bước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, hoàn thành xuất sắc vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; đóng góp tích cực vào củng cố đoàn kết, đồng thuận, vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN, thực hiện tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 4-2021); tham gia tích cực tại nhiều cơ chế, diễn đàn, hội nghị đa phương quan trọng trên các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, như Hội thảo lý luận các chính đảng mác-xít trên thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công, Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới,...

Với vị thế và uy tín ngày càng cao, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức đa phương quan trọng, như Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Uỷ ban Luật pháp quốc tế (ILC),... Đặc biệt, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều chính đảng, chính giới và học giả quốc tế, thúc đẩy cộng đồng quốc tế tiếp tục chia sẻ và ủng hộ lý tưởng, mục tiêu và sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Đảng và đất nước ta trên trường quốc tế.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ở Tây Ninh, 47 năm sau ngày giải phóng (1975-2022), thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hoà bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm đảm bảo lo cho đời sống nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành. Có thể nói 5 năm đầu sau ngày giải phóng đầy gian khổ, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã thể hiện rõ tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là cải tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau khi giúp nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pôn-Pốt gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh vẫn tiếp tục chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong-Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).

Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ 1986-1990 đan xen giữa 2 cơ chế, nước ta đang trong tình trạng trầm trọng nhất của khủng hoảng kinh tế - xã hội, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, đất nước bị bao vây về kinh tế, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lòng tin giảm sút. Tình hình chung đó đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm 1991-1995, là thời kỳ đi vào thế ổn định và tăng trưởng, giành được những thắng lợi rất quan trọng trong những năm tiếp theo. Kinh tế có mức tăng trưởng cao. Năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hàng năm 14% là mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước đó. Năm 2010 trở đi, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) liên tục tăng; năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện mục tiêu kép, GRDP của tỉnh tăng 0,2% so với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người đạt 3.304 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 10.386,204 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao, tăng 2,6% so với cùng kỳ, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động của bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu hút đầu tư trong nước ước đạt 9.935 tỷ đồng, luỹ kế có 638 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 98.350 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 649 triệu USD, tăng 4,7% so cùng kỳ, xếp thứ 12 về thu hút đầu tư nước ngoài trên cả nước. Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc gia như Sun Group, Vingroup, TTC Group… đã có dự án đầu tư tại Tây Ninh. Tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng, đưa Tây Ninh thành một trong những "thủ phủ" về điện năng lượng mặt trời của cả nước, cung cấp nguồn năng lượng xanh, sạch đủ để đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu điện của tỉnh Tây Ninh nói riêng và bổ sung nguồn điện cho khu vực phía Nam nói chung. Các hoạt động văn hoá, thông tin, giáo dục được thực hiện tốt; công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân được thực hiện tốt; công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai có hiệu quả. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%, Tây Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 3, chỉ đứng sau tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Các lực lượng bảo vệ biên giới có sự hiệp đồng tốt hơn. Huyện, xã biên giới được xây dựng vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Trải qua chặng đường 47 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tây Ninh cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những bước thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh, nhất là thời kỳ sau giải phóng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh … đều không ngừng phát triển, làm “thay da đổi thịt” mảnh đất vô vàn khó khăn, gian khổ của các cuộc chiến tranh. Đó là hiện thực của cuộc sống mà bất kỳ người dân Tây Ninh nào cũng không được quyền phủ nhận.

III. Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN 

1. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, như: đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

2. Phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để  vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

3. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới. Toàn dân đoàn kết, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy nội lực của đất nước với sự giúp đỡ, hợp tác với các nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

5. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người mới: Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới, tiến quân vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ loài người, nâng tầm văn hoá trong cuộc sống, năng động sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hoá, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng. Thế hệ thanh niên trước đây đã đảm đương xuất sắc vai trò xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến; ngày nay là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

6. Phát huy tri thức, kinh nghiệm quân sự, công tác tư tưởng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quốc phòng vững mạnh sẽ góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm và tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện những mục tiêu chiến lược của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.  

Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TÂY NINH

 

 

 

1. Lực lượng vũ trang Tây Ninh đã ngăn chặn không cho sư đoàn 25 chủ lực ngụy tháo chạy về Sài Gòn.

Tác giả: Thanh Vi-BTG Thị ủy

Nguồn tin: BTG Tỉnh ủy

 Tags: BTG THỊ ỦY

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay6,453
  • Tháng hiện tại118,031
  • Tổng lượt truy cập7,047,922
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây