Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 1-6-2013, Nghị định có các điểm mới cần lưu ý sau:
1 - Mở rộng đối tượng được công nhận là người có công
Theo Nghị định 31, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi NNC với cách mạng đã có thay đổi và mở rộng. Đối tượng Người có công là Anh hùng Lao động được chuyển thành Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến
2 - Nâng mức thụ hưởng
Theo Pháp lệnh cũ, người hoạt động cách mạng, hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày được hưởng trợ cấp một lần thì nay sẽ được chuyển sang hưởng trợ cấp hằng tháng. Chế độ điều dưỡng với người có công cũng được điều chỉnh tần suất. Trước đây, chế độ điều dưỡng luân phiên của các đối tượng là 5 năm/1 lần, thì hiện nay là 2 năm/1 lần. Tăng mức tiền lên 2.220.000 đồng cho một đợt điều dưỡng. Ngoài ra, bổ sung thêm chế độ điều dưỡng mỗi năm một lần đối với cha, mẹ đẻ có 2 con là liệt sĩ trở lên.
Về mức trợ cấp: Đối với trường hợp liệt sĩ được quy định có 3 mức trợ cấp tiền tuất khác nhau. Theo Nghị định 31, thân nhân của một liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn (mức chuẩn hiện hành là 1.110.000 đồng). Tương tự, thân nhân của 2 liệt sĩ được nhận 2 lần mức chuẩn và của 3 liệt sĩ trở lên được nhận 3 lần mức chuẩn. Vợ, hoặc chồng của liệt sĩ lấy chồng, hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn. Các trường hợp thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con dưới 18 tuổi, con trên 18 tuổi nhưng còn đi học, hoặc bị khuyết tật nặng, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng, hoặc lấy vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống. Ngoài ra, nếu các thân nhân này là người không nơi nương tựa và có hoàn cảnh khó khăn, thì sẽ được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng. Pháp lệnh cũng bổ sung chế độ thờ cúng liệt sĩ. Theo đó, liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp 500.000 đồng/lần/năm.
Về trường hợp công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng được bổ sung mốc thời gian công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975 và mức suy giảm khả năng lao động được tính từ 21% trở lên. Trợ cấp hằng tháng được tính theo 4 mức suy giảm khả năng lao động gồm: Từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% và từ 81% trở lên. Mức trợ cấp từ 0,76 đến 2,28 lần mức chuẩn. Ngoài ra, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 81% trở lên được nhận thêm phụ cấp hằng tháng. Nghị định 31 cũng bổ sung thêm trường hợp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người phục vụ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm sức khỏe từ 81% trở lên sẽ được nhận trợ cấp với mức trợ cấp bằng một lần mức chuẩn.
Nghị định 31 đã có quy định bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, thân nhân là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ của liệt sĩ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng, con từ 16-18 tuổi hoặc từ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tất nặng; thân nhân của Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Nghị định còn hướng dẫn về điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với các trường hợp như: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng…; việc xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Công Trẻ