THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN: MỘT SỐ NỘI DUNG QUAN TRỌNG CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Thứ sáu - 15/03/2024 22:30 908 0

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN: MỘT SỐ NỘI DUNG QUAN TRỌNG CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Thực hiện Công văn số 04/HĐPH ngày 14/3/2024 của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã Hòa Thành về việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban nhân dân xã Trường Đông tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn xã những nội dung quan trọng của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Luật Hòa gải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm 4 Chương, 42 Điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

 Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động do hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo quy định. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiện chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và nhà nước. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuậ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

           Một số nội dung chủ yếu, quan trọng của Luật Hòa gải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án). Trong khi đó, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần mà phần này không liên quan đến những phần khác của khiếu kiện hành chính đó hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

 Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

- Phạm vi điều chỉnhLuật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

- Đối tượng thực hiện: Khoản 2 Điều 1 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”. Như vậy, đối tượng hòa giải đối thoại tại Tòa án được xác định trên yếu tố:

+ Về tính chất vụ việc: Hòa giải các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Đối thoại đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+ Về thời điểm thực hiện hòa giải, đối thoại là sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng trước khi Tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.

2. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:

- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại, không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Việc xác định hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu đồng ý thì thực hiện việc hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại, không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

- Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định của Luật.

- Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

- Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật

- Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

- Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án. (Trường hợp phải chỉ định Hòa giải viên đối với vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi (Khoản 6 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án))

3Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Để khuyến khích hòa giải, đối thoại, kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án nói chung do Nhà nước bảo đảm chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu: Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài (khoản 1 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

4. Quy định về Hòa giải viên

Hòa giải viên tại Tòa án là người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự) và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.

Nhiệm vụ của Hòa giải viên là rất quan trọng cho nên điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể là: Phải là người có quá trình công tác hoặc làm một trong những công việc sau đây: Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên; Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp.

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: Không đáp ứng điều kiện; Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.

Căn cứ đề nghị bổ nhiệm: Người có đủ điều kiện theo quy định tự nguyện nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Điều 8 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án quy định:

- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có các quyền sau đây: Đồng ý hoặc từ chối tham gia hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; Lựa chọn, thay đổi Hòa giải viên; Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch (nếu có); Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Hòa giải viên, các bên tham gia, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và giữ bí mật thông tin do mình cung cấp; Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành; Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật.

Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có các nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ pháp luật; Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác; trình bày và chịu trách nhiệm về tính  xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp; Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật; Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

6. Trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án

* Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

- Gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu: Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức: Nộp trực tiếp tại Tòa án; Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được thực hiện theo Điều 190, 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

- Sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, gửi cho người khởi kiện, người yêu cầu giấy xác nhận đã nhận đơn.

- Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu:

Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ được thực hiện đối với các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (trừ những vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án) đồng thời phải được sự đồng ý của các bên tham gia hòa giải đối thoại. Đối với những đơn không thuộc thẩm quyền của Tòa án hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

Đối với những đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và không thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì giải quyết như sau:

+ Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết vụ việc thuộc trường hợp được hòa giải, đối thoại tại Tòa án và yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu trả lời cho Tòa án: Có đồng ý thực hiện việc hòa giải, đối thoại không? Trường hợp đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì có chọn Hòa giải viên nào giải quyết không?

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn trên tùy từng trường hợp, Tòa án xử lý như sau: Nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại thì chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên. Tường hợp không đồng ý thì xử lý đơn và các tài liệu theo quy định của pháp luật về tố tụng. Trường hợp Tòa án chưa nhận được ý kiến trả lời của người khởi kiện, người yêu cầu thì Tòa án thực hiện thông báo lại lần thứ hai. Nếu quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai mà người khởi kiện, người yêu cầu vẫn không trả lời thì chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên.

+ Sau khi chỉ định Hòa giải viên, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại Tòa án và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì văn bản chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người bị kiện, phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp mà xử lý như sau: Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu người bị kiện đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc không trả lời Tòa án; Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên; Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người bị kiện, người bị yêu cầu không đồng ý hòa giải, đối thoại.

* Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 19 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án):

Những vụ việc không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người bị yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng; Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;  Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định những vụ việc không hòa giải đối thoại tại Tòa án vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

7. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

- Thời hạn hòa giải, đối thoại (Điều 20):

 Không quá 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất kéo dài thì thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 02 tháng.

Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 22):

Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên, tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên. Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên, yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

- Thời điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại (Điều 24): Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại, trên cơ sở phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh điều kiện của các bên. Hòa giải viên thông báo bằng văn bản hoặc hình thức khác cho các bên chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

- Thành phần phiên hòa giải ,đối thoại (Điều 25): Hòa giải viên; Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch (nếu có); Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại. Đối với trường hợp hòa giải quan hệ hôn nhân trong vụ việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải. Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại; người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

- Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 26):

+ Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.

+ Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

+ Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người bị yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

+ Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.

+ Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

+ Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên tham gia hòa giải, đối thoại đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.

8. Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại

Điều 27 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:

Khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và thông báo cho những người tham gia phiên họp biết để tham dự.

Thành phần phiên họp bao gồm: Hòa giải viên; Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch; Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp).

9. Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:

Tòa án xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận khi có Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Người tham gia hòa giải, đối thoại yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Sau khi tiến hành hòa giải, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành. Thời hạn ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản ghi nhận kết quả hòa giải và tài liệu kèm theo. Trường hợp không có đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do.

Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

- Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Trường hợp phát hiện quyết định đó vi phạm những điều kiện công nhận, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được xem xét lại theo trình tự thủ tục được quy định tại Điều 36 đến Điều 39 của Luật Hòa giải, đối thoại.

Trên đây là những nội dung dung quan trọng của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. (kèm tờ rơi tuyên truyền ở file đính kèm)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay1,343
  • Tháng hiện tại128,531
  • Tổng lượt truy cập6,749,453
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây