Năm 2013 là năm đầu tiên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, thu hút được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Đến nay đã là năm thứ 10, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, cho thấy tầm quan trọng, sự lan tỏa, mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội.
Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên đăng tải, tuyên truyền các quy định pháp luật đến với người dân
Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL cũng như thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, công tác PBGDPL đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo; huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã làm tốt công tác tham mưu, giúp UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL tại địa phương, giữ vai trò nòng cốt là ngành Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng.
Các cấp, ngành tuyên truyền Ngày Pháp luật bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, pa nô, áp phích tại trụ sở cơ quan, đơn vị, tại các ngã tư, đường giao thông có nhiều người qua lại; phát hành tờ gấp tuyên truyền; tổ chức sinh hoạt nội dung, ý nghĩa Ngày Pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; tổ chức mít tinh, diễu hành.
Các cấp, ngành địa phương thường xuyên tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó trọng tâm là Bộ luật dân sự; Bộ luật hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Ngày Pháp luật được địa phương tổ chức thực hiện không chỉ trong ngày 9 tháng 11 mà xuyên suốt trong cả năm với các hoạt động thiết thực như hàng tháng, hàng quý tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; hàng tháng ít nhất dành 01 buổi để tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân…
Đặc biệt, năm 2022 là năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vì vậy, để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã có văn bản định hướng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.
Bên cạnh đó, còn quan tâm chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật gắn liền với tình hình của đất nước, địa phương được người dân đặc biệt quan tâm như: phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tín dụng đen; phòng, chống dịch bệnh covid-19…
Ngoài ra, còn quan tâm tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật cũng được thực hiện nhưng chưa được tập trung, thường xuyên.
Qua thực tế các địa phương thực hiện được nhiều mô hình hay, cách làm mới như: Mô hình "Cà phê miễn phí với pháp luật" tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên; mô hình "Cà phê doanh nhân" tuyên truyền pháp luật cho doanh nhân; mô hình "Tuyên truyền pháp luật qua loa truyền thanh trong sân trường vào giờ ra chơi" để tuyên truyền pháp luật cho học sinh; mô hình "Rung chuông vàng" thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh…
Các cấp, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL. Việc tuyên truyền pháp luật được tăng cường thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành tỉnh; Trang thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh; các trang mạng zalo, facebook, fanpage; tủ sách pháp luật điện tử… đã kịp thời chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với mọi cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Tây Ninh được thành lập đã tạo nên kênh tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, kịp thời đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản mới; tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh covid-19; đăng tải các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Trung ương và địa phương tổ chức…
Qua thống kê cho thấy, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức được 223.814 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 8.970.881 lượt cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học sinh, người lao động và nhân dân tham dự. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp được 5.945 vụ cho 6.034 đối tượng. Hội Luật gia các cấp thực hiện tư vấn pháp luật được 2.896 vụ; các Văn phòng Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật được 1.933 vụ.
Chuyên mục tuyên truyền pháp luật trên báo Tây Ninh điện tử
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Tây Ninh tăng cường phối hợp với các ngành như Tư pháp, Công an, Văn hóa, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Hội Luật gia, Nông nghiệp và phát triển nông thôn... tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn xã hội; trật tự an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực gia đình; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; chế độ, chính sách của ngành Bảo hiểm xã hội, nông thôn mới…
Công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện hiệu quả qua các Hội thi
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL đã tiếp tục góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức hơn nữa đối với lãnh đạo chính quyền địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến kịp thời đến đa số cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
Kết quả nổi bật của việc thực hiện Luật PBGDPL là công tác PBGDPL cho cán bộ và nhân dân ngày càng đi vào chiều rộng và chiều sâu thông qua nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về chấp hành pháp luật và lực lượng nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; xây dựng các điểm sáng trong chấp hành pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân; củng cố và mở rộng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trên toàn tỉnh đủ tiêu chuẩn quy định…
Có thể khẳng định, việc thực hiện Luật PBGDPL tại địa phương trong thời gian qua đã đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện PBGDPL và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức có hiệu quả công tác PBGDPL trên toàn tỉnh, góp phần thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Tác giả: Hòa Thành Quản trị
Ý kiến bạn đọc