Tây Ninh: Nguy cơ tái phát các dịch bệnh nguy hiểm còn rất cao

Chủ nhật - 28/11/2010 04:15 143 0

Tây Ninh: Nguy cơ tái phát các dịch bệnh nguy hiểm còn rất cao

 

 Ngày 26.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh (BCĐ) sơ kết hoạt động từ đầu năm đến nay, trong đó xoáy vào công tác phòng, chống dịch heo tai xanh, công tác hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

7/9 huyện, thị xã đã công bố hết dịch heo tai xanh

Về bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc, do ảnh hưởng của thời tiết và nhất là tác động trực tiếp từ dịch bệnh xảy ra tại tỉnh Kampông Chàm và Svây Riêng (Campuchia) qua con đường nhập lậu trâu, bò vào Tây Ninh nên mầm bệnh LMLM đã lây lan sang một số trâu bò trong tỉnh. Cụ thể, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có 20 con bị nhiễm bệnh; huyện Gò Dầu có 17 con và Châu Thành có 15 con nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, do sớm phát hiện mầm bệnh nên các ngành chức năng đã kịp thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh LMLM gia súc, không để lây lan trên diện rộng thành dịch nguy hại. Cụ thể, ngành chức năng đã tăng cường giám sát, khoanh vùng, xử lý động vật nhiễm bệnh; tổ chức tiêm phòng bao vây khu vực có trâu bò nhiễm bệnh và tiêu độc sát trùng chuồng trại, môi trường xung quanh. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin LMLM cho 103.729 con trâu, bò, heo.

Toàn tỉnh cũng đã tổ chức đợt tổng tiêu độc sát trùng phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh; thường xuyên phun thuốc tiêu độc, sát trùng ở những ổ dịch, nơi có nguy cơ phát dịch cao, các khu vực chăn nuôi, trang trại gia súc, gia cầm… Đến nay, ngành Thú y đã tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho 1.900.610 con vịt, 109.685 con gà. Tỷ lệ tiêm phòng các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả… trên gia súc đều đạt yêu cầu; tiêm phòng dại chó được 18.660 con; bắt 372 con chó chạy rông nhằm ngăn ngừa bệnh dại.

Tính đến ngày 23.11, toàn tỉnh có 4.423 hộ chăn nuôi có heo bị bệnh tai xanh với 69.439 con heo bệnh, 33.520 con heo chết; đã tiêu huỷ 37.277 con (1.681.305,4 kg). Tỷ lệ heo bị tiêu huỷ chiếm khoảng trên 16% tổng đàn của tỉnh. Đến nay, đã có 7/9 huyện, thị xã công bố hết dịch heo tai xanh gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hoà Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên và Tân Châu. Hiện chỉ còn xã Tân Bình (Thị xã) có heo bị dịch tai xanh chưa đến thời hạn công bố hết dịch (21 ngày kể từ khi phát dịch).

Không được chủ quan

Theo nhận định của BCĐ, công tác phòng, chống dịch bệnh từ đầu năm đến nay còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng nhập lậu trâu bò từ Campuchia vào Tây Ninh gây nguy cơ lây lan dịch bệnh LMLM nhưng chưa được kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Trong phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh, do nhận thức của một bộ phận người dân đối với việc phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; do sự giám sát chưa chặt chẽ của cán bộ Thú y và chính quyền địa phương và do ý thức kém, ham lợi nhuận bất chấp tác hại cho cộng đồng của một số thương lái nên mầm bệnh phát tán nhanh, rộng. Trong khi đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng trong phòng, chống dịch. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể và cán bộ Thú y; đồng thời công tác kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ heo bệnh từ các địa phương khác vào Tây Ninh còn “hở” nên “tạo điều kiện” cho dịch bệnh phát nhanh, mạnh trong khi chưa có thuốc đặc trị, vắc xin ngừa bệnh tai xanh. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh chậm được phân bổ để các địa phương, đơn vị chủ động hơn trong công tác phòng chống cũng là một hạn chế trong thời gian qua.

BCĐ nhận định, hiện tuy dịch bệnh heo tai xanh đã được khống chế nhưng mầm bệnh vẫn còn. Sau dịch bệnh và nhất là cận Tết Nguyên đán Tân Mão sắp tới nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo tăng rất cao, trong khi thị trường thịt heo cũng đang “được giá”. Do đó, có xu hướng người chăn nuôi “tranh thủ” tăng đàn để “gỡ vốn” sau những thiệt hại do dịch bệnh tai xanh vừa qua. Trước tình hình này, BCĐ khuyến cáo “nguy cơ tái dịch là rất lớn”. Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành Thú y phải liên tục duy trì việc giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi ở địa phương, nhất là tại các ổ dịch cũ và những nơi có mật độ chăn nuôi cao, những điểm giết mổ và tập kết vận chuyển gia súc.

Đối với các dịch bệnh trên gia súc, hiện tình hình dịch bệnh LMLM trâu, bò tại các tỉnh thuộc Campuchia giáp Tây Ninh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan sang Tây Ninh từ trâu, bò nhập lậu là rất lớn. BCĐ đề nghị chính quyền các huyện biên giới và ngành chức năng “cần lưu ý” giám sát những nơi có mật độ chăn nuôi cao, những nơi thường có hoạt động mua bán trâu bò thường xuyên.

Đối với bệnh cúm gia cầm, mầm bệnh vẫn “còn đâu đó” trong môi trường, nguy cơ tái phát dịch vẫn còn nên chính quyền địa phương và ngành chức năng không được chủ quan, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho virut cúm A/H5N1 phát triển như hiện nay; trong tình hình số lượng gia cầm, thuỷ cầm tăng nhanh và trong thời điểm các lực lượng tập trung cho “mặt trận” phòng, chống dịch heo tai xanh.

Theo BCĐ, từ đây đến trước Tết Nguyên đán Tân Mão, các ngành, các cấp có liên quan sẽ tập trung giải quyết, triển khai nhanh việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch heo tai xanh, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Trước mắt, tỉnh và các địa phương sẽ tập trung chi hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ do bệnh tai xanh. Theo số liệu thống kê và đề nghị của các địa phương trong tỉnh, chỉ riêng kinh phí hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại vừa qua là trên 42 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác thực như: Trong khi nhiều quốc gia khuyến cáo không nên tiêm vắc xin phòng bệnh heo tai xanh hiện lưu hành trên thị trường Việt Nam thì Việt Nam vẫn sử dụng vắc xin này. Theo các chuyên gia thì trong tình hình dịch bệnh tai xanh bùng phát mà đưa vắc xin vào tiêm trên đàn heo bệnh thì “cực kỳ nguy hiểm”, chẳng khác gì “châm dầu vào lửa” nhưng Tây Ninh và một số địa phương khác vẫn làm? Tại Bến Cầu hiện nay vẫn đang xảy ra tình trạng nhập lậu trâu bò qua biên giới. Bộ đội biên phòng tạm giữ số trâu bò này nhưng các ngành chức năng huyện lúng túng về trách nhiệm và thiếu điều kiện trong khâu nhốt giữ, xử lý. Do đó, bộ đội biên phòng “băn khoăn” trước việc tạm giữ số trâu bò bất hợp pháp này. Nếu để kéo dài tình trạng trên sẽ gây nguy cơ lây lan bệnh LMLM. Trong khi tỉnh đã có chủ trương cho 1 doanh nghiệp xây dựng khu cách ly kiểm dịch gia súc ở khu vực biên giới nhưng đã một năm nay, khu cách ly kiểm dịch này vẫn “nằm trên giấy”. Một vị Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu đề nghị nếu doanh nghiệp này không triển khai thực hiện đầu tư khu cách ly kiểm dịch thì tỉnh nên xem xét thu hồi chủ trương đầu tư…

ĐÌNH CHUNG

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,898
  • Tháng hiện tại120,607
  • Tổng lượt truy cập7,050,498
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây