Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản như: diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng hơn 27.000 ha, hệ thống kênh mương thuỷ lợi Dầu Tiếng với tổng chiều dài đến hơn 1.500 km, hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông… Trong những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện của Nhà nước, ngành nuôi trồng thuỷ sản ngày càng phát triển. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đã và đang làm hạn chế hoạt động sản xuất này nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết là nạn ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt…
Năm 2010 diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng không đáng kể
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản gia tăng không đáng kể. |
Theo con số thống kê của Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở NN-PTNT Tây Ninh năm 2009, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản các loại ở Tây Ninh đạt hơn 1.220 ha với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn. Trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt hơn 7.000 tấn và sản lượng khai thác đạt gần 3.000 tấn. So với những năm trước thì sản lượng thuỷ sản đánh bắt có gia tăng mạnh do Nhà nước đầu tư tái tạo nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên trong hồ Dầu Tiếng từ năm 2005 đến nay. Từ sự đầu tư này mà nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng đánh bắt được hiện nay tăng gần gấp 6 lần so với 5 năm trước. Riêng lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản thì cả diện tích và sản lượng năm 2009 tăng hơn trước do người dân đã biết tận dụng mặt nước ở sông, rạch, ao, hồ và các vùng đất trũng để nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt trong năm 2009 đã có một số công ty và các nhà đầu tư, chế biến ngoài tỉnh đến Tây Ninh để khảo sát, xây dựng dự án đầu tư nuôi trồng thuỷ sản thâm canh tập trung ở các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng… và trong đó có dự án triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo đà phát triển như vậy, năm 2010 dự kiến tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh sẽ đạt hơn 1.250 ha với sản lượng nuôi trồng đạt không dưới 8.000 tấn. Chỉ tiêu này so với sự phát triển hiện nay thì hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên thực tế không như dự kiến. Theo Chi cục Thuỷ sản thì trong 9 tháng đầu năm 2010, diện tích nuôi trồng thuỷ sản thực hiện được khoảng 1.195 ha, chỉ đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là thể tích nuôi cá lồng bè trên sông, rạch chỉ đạt được 50% kế hoạch năm. Cụ thể là trong 9 tháng đầu năm thể tích nuôi cá lồng bè chỉ đạt có 500m3 trong khi kế hoạch cả năm là 1.000m3. Như vậy, với kết quả thực hiện được trong 9 tháng đầu năm 2010 cho thấy diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh không tăng bao nhiêu và trong đó riêng cá nuôi lồng bè lại có chiều hướng giảm đáng kể.
Lo âu vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân
Theo lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản, từ mấy năm qua nỗi băn khoăn lớn nhất của người nuôi thuỷ sản, cũng như của ngành NN-PTNT là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Đây là nguyên nhân chính khiến cho lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh chậm phát triển. Đặc biệt là nghề nuôi cá bằng lồng bè mấy năm trước đây phát triển rất mạnh trên các sông, rạch thì nay đã giảm rất nhiều do cá bị chết hàng loạt, nhiều người nuôi cá trắng tay. Trong 5 năm gần đây, ở Tây Ninh đã từng xảy ra rất nhiều vụ cá chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Năm 2005, cả đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ xã Phước Vinh đến Xóm Ruộng, xã Trí Bình dài hơn 30 cây số đã xảy ra tình trạng cá bè nuôi trên sông chết hàng loạt, trong đó có nhiều bè nuôi loại cá hồng vện có giá trị cao. Tháng 3.2006, gần 50 lồng cá bè nuôi trên sông Sài Gòn bị chết sạch với sản lượng cá chết ước khoảng không dưới 200 tấn. Năm 2007, tại đoạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn huyện Gò Dầu tiếp tục xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Liên tiếp từ năm 2008 đến nay trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua huyện Châu Thành lại xảy ra nhiều vụ cá chết hàng loạt. Tổng thiệt hại của người nuôi thuỷ sản do cá chết phải tính bằng tiền tỷ. Riêng trên rạch Tây Ninh, tuy không có nuôi cá lồng bè nhưng tình trạng cá thiên nhiên bị chết cũng diễn ra khá thường xuyên.
Ghe thuyền tấp nập vớt cá chết ở một khúc sông Vàm cuối tháng 4.2010 |
Tuy nhiên, câu hỏi lớn “cá chết hàng loạt do đâu?” đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Câu hỏi này cũng đã từng được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Trong kỳ họp thứ 20 lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình rằng “không phát hiện cơ sở sản xuất xả chất thải ra sông tại thời điểm cá chết” (?!). Đồng thời người trả lời chất vấn chỉ “đoán” chung chung là có thể cá chết do: thời tiết thay đổi đột ngột cá không kịp thích nghi; lục bình phát triển mạnh khiến cho nồng độ ô-xy hoà tan trong nước giảm; các cơ sở khai thác cát làm khuấy động dòng chảy, tạo ra khí độc có thể cũng là nguyên nhân gây cá chết; nước sông ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do nông dân sử dụng vứt bừa bãi…
Để lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phát triển như mong muốn, ngoài những chính sách khuyến khích thì điều cần thiết trước tiên là phải tạo sự yên tâm cho người nông dân nuôi trồng thuỷ sản. Nghĩa là phải xác định được nguyên nhân chính làm cá chết hàng loạt để quy trách nhiệm và có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
SƠN TRẦN
Ý kiến bạn đọc