Phòng chống HIV/AIDS

Chủ nhật - 19/12/2010 22:10 568 0

Phòng chống HIV/AIDS

 

AIDS
AIDS là "Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải". Về thuật ngữ AIDS là những chữ viết tắt theo tiếng Anh của "Acquired Immuno - Deficieney Syndrome" (Viết tắt theo tiếng Pháp là SIDA). AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Do hệ thống miễn dịch bị tổn thương, cơ thể không thể bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng và ung thư mà một người bình thường có thể chống đỡ được. Những bệnh này là các nguyên nhân dẫn đến tử vong.
AIDS gây nên do một loại vi rút gọi là vi rút gây nên suy giảm miễn dịch ở người, gọi tắt theo tiếng Anh là HIV (Human Immuno Deficiency Virus).
HIV lần đầu tiên được Luc Montagnier và cộng tác viên viện Pasteur Paris phân lập năm 1983, với tên gọi ban đầu là vi rút có liên quan tới viêm hạch (LAV). Năm 1984, công trình này được Rober Gallo và cộng tác viên ở Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ khẳng định sau khi phân lập được một vi rút gọi là vi rút hướng tế bào lim-phô-T ở người. 
Năm 1986, một Ủy ban chuyên gia quốc tế thống nhất gọi tên vi rút gây AIDS là HIV thay thế cho các tên gọi cũ là LAV và HTLV-3.
Những trường hợp AIDS đầu tiên được vào tháng 6-1981 ở Mỹ từ 5 thanh niên nam luyến ái đồng tính ở Los Angeles. Một tháng sau, ở New York và California người ta thông báo có thêm 26 bệnh nhân cũng xảy ra ở những người thanh niên đồng tính luyến ái. Do đó tên ban đầu của hội chứng này là Suy giảm miễn dịch có liên quan đến luyến ái đồng tính (GRID: Gay related immuno deficiency). Sau đó người ta nhận thấy rằng hội chứng suy giảm miễn dịch không chỉ xảy ra ở những người đồng tính luyến ái mà còn ở những người nghiện chích ma túy tĩnh mạch, người nhận máu nhiều lần. Do đó năm 1982 hội chứng này được thay thế bằng một tên gọi thích hợp hơn là "Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải" hay AIDS.
Thực ra HIV đã xuất hiện và lan tràn trên khắp thế giới từ những năm 70 của thế kỷ 20 mà chúng ta không hề biết. Hàng trăm ngàn trường hợp AIDS hiện nay là kết quả của nhiễm HIV lặng lẽ trong qua khứ. Qua nghiên cứu các mẫu lưu được bảo quản ở Dai-ơ năm 1959 và ở Mỹ những năm 1970, người ta đã tìm thấy kháng thể HIV.
Tháng 6 năm 1981, lần đầu tiên loài người biết đến một căn bệnh mới lạ trên thế giới  - đó là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Kể từ khi phát hiện đến nay, dịch nhiễm HIV/AIDS có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng, trong đó chưa có vắc-xin hay thuốc phòng và chữa HIV/AIDS có hiệu quả. Với tốc độ lay lan như hiện nay, tổ y tế thế giới ước tính cứ mỗi ngày qua đi lại có hơn 6.000 người nhiễm HIV. Nếu các nhà khoa học không sớm tìm ra loại thuốc có hiệu quả để chặn đứng vi rút gây bệnh AIDS thì ngược lại bệnh AIDS sẽ tiêu diệt hàng triệu, triệu con người, không phải chỉ ở một nước nào, một châu lục nào mà ở tất cả các nước với quy mô toàn cầu. Vì thế - AIDS trở thành đại dịch của thể giới.
Hệ miễn dịch của cơ thể
Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người, trực tiếp tiêu diệt mầm bệnh; sản xuất ra kháng thể, kháng thể tiêu diệt mầm bệnh. Đó là mạng lưới vô cùng phức tạp của các tế bào, mô và các bộ phận giúp bảo vệ cơ thể con người khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm và những yếu tố có thể khiến chúng ta ốm yếu.
Khi vào cơ thể, HIV tấn công có lựa chọn đối với tế bào lim-phô-T có vị trí cảm thụ đặc biệt là CD4. Cái tế bào này có vai trò rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nó nhận diện, báo động và huy động các tế bào lim-phô tấn công và tiêu diệt vi sinh vật lạ khi chúng vào cơ thể. Nó được ví như là người nhạc trưởng hay là vị chỉ huy điều hòa toàn bộ hệ thống miễn dịch.
Khi HIV gắn vào tế bào lim-phô-T, nó bỏ phần vỏ lipit ở ngoài và bơm vật liêu di truyền của nó là ARN vào bên trong tế bào. Nhờ có men phiên mã ngược, ARN một sợi sẽ tự sao chép thành ARN vi rút hai sợi và sau đó gắn vào ADN của tế bào. Vì HIV trở thành một vật liêu di truyền của tế bào người nên nhiễm trùng tế bào là bền vững và do đó khó có thể chế tạo ra một loài thuốc tiêu diệt vi rút hay một loại vắc-xin phòng bệnh có hiệu quả.
ADN của vi rút bắt đầu chỉ thị cho tế bào sản xuất ra các thành phần của vi rút như protein hay ARN. Những thành phần này sẽ di chuyển đến màng tế bào. Tiếp theo đó là quá trình "nảy chồi", một vi rút mới hình thành tách ra khỏi tế bào chủ vào máu và lại gắn vào các tế bào lim-phô-T khác.
Mặc dù hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra được kháng thể chống lại HIV nhưng hình như nó không có khả năng làm trung hòa HIV và không ngăn chặn được các tổn thương do HIV gây ra. Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa giải thích đựơc hiện tượng này.
Một thực tế phủ phàng là người nhiễm HIV sẽ mang HIV suốt đời và và có thể truyền HIV sang cho người khác.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm virút học của Viện nghiên cứu y học Burnet (Australia) đã giải thích cách thức HIV/AIDS giấu các bản sao của chúng trong các tế bào mà những phương thuốc điều trị thông thường không thể tiêu diệt được. Theo các chuyên gia, khi xâm nhập các tế bào, HIV/AIDS có thể duy trì trạng thái “ngủ đông” một thời gian. Khi đó, các thuốc kháng loại virut này không thể sàng lọc và tiêu diệt những tế bào đã bị nhiễm mầm bệnh. Khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc, những virút trốn trong các tế bào sẽ “tỉnh ngủ” và bắt đầu phát tác… Có thể nói, việc hiểu được cơ chế nêu trên của HIV/AIDS sẽ giúp họ nghiên cứu những loại thuốc mới tiêu diệt chúng từ giai đoạn còn trứng nước.
HIV tấn công hệ miễn dịch của cơ thể, làm giảm cả khả năng miễn dịch dịch thể và tế bào, làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Những dịch cơ thể có khả năng nhiễm HIV: máu +++, dịch sinh dục (dịch âm đạo, dịch cổ tử cung, tinh dịch) ++, sữa mẹ +, chất nhầy bao quanh một số bộ phận của cơ thể (tim, phổi, khớp xương, màng ối…) +, các dịch sinh học có chứa máu +.
Những dịch cơ thể không có hoặc rất ít HIV: nước tiểu, phân, nước mắt, nước bọt, dịch nôn.
Bên ngoài cơ thể HIV sống được: trong máu khô ở nhiệt độ phòng khoảng 1 tuần, 7 – 10 ngày ở 4oC và hàng tháng ở nhiệt độ –70oC. Tuy nhiên, HIV là loại vi rút yếu, rất nhạy cảm với nhiệt độ và các hóa chất (kể cả kem đánh răng, xà phòng giặt hoặc các dụng cụ tẩy uế thông thường…); bị tiêu diệt trong nước Javel 0,1 - 0,5%, oxy già 6%, cloramine 25%, cồn 90%... Ở nhiệt độ 56oC, HIV chết sau 30 phút, chết nhanh khi bị đun sôi.
Tại sao nhiễm HIV thì tất yếu dẫn đến AIDS? Vì cho đến nay vẫn chưa có thuốc tiêu diệt được HIV (chỉ mới có thuốc ngăn chận được sự nhân lên nhanh của HIV và giúp tăng cường hệ miễn dịch mà thôi).
Lây truyền của HIV
Lây truyền của HIV, có 3 phương thức:
- Lây truyền theo đường máu, nguy cơ lây truyền rất cao, >90%
- Lây truyền theo đường tình dục (quan hệ tình dục đồng giới hoặc khác giới với người bị nhiễm HIV), nguy cơ lây truyền 1%.
- Lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ chu sinh, nguy cơ lây tryền từ 12 – 32% ở các nước phát triển, từ 25 – 48% ở các nước đang phát triển, nếu được điều trị và chủ động mổ lấy thai thì chỉ còn 5 – 8%.
Những tiếp xúc thông thường không lây truyền HIV:
- Đường hô hấp: hắt hơi, ho…
- Tiếp xúc qua bắt tay, ôm, dùng chung quần áo…
- Muỗi đốt.
Ngoài 3 phương thức lây truyền HIV đã nêu trên, hiện nay chúng ta không có bằng chứng về một phương thức lây truyền nào khác.
Nhận biết nhiễm HIV
Nhìn bề ngoài không thể biết ai là người nhiễm HIV.
Xét nghiệm kháng thể (là phương pháp phổ biến nhất, gồm xét nghiệm Determin, Serodia, Elisa, Western Blot). Tuy nhiên, sẽ không phát hiện được trong thời kỳ cửa sổ (sau phơi nhiễm 4 – 12 tuần). Không bao giờ được phép khẳng định “Không bị nhiễm HIV” chỉ với 1 lần xét nghiệm.
Các xét nghiệm khác: tìm kháng nguyên, định lượng virus, đếm tế bào T CD4 (hỗ trợ để chẩn đoán mức độ suy giảm miễn dịch).
Tiến triển của quá trình nhiễm HIV
1. Giai đoạn cửa sổ (nhiễm HIV cấp tính, phơi nhiễm), thời gian 4 – 12 tuần.
+ Triệu chứng: chỉ khoảng 20 – 30% trường hợp có những triệu chứng của sốt nhiễm siêu vi trong vòng 8 – 10 ngày.
+ Xét nghiệm: âm tính (nhưng có khả năng lây nhiễm cho người khác).
2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng, thời gian 8 – 10 năm.
+ Triệu chứng: không
+ Xét nghiệm: T CD4 giảm, kháng nguyên tăng.
+ Diễn tiến: khỏe mạnh > 10 năm nếu biết giữ, viêm hạch và AIDS trong 5 – 7 năm, nhanh đến AIDS nếu không biết giữ.
3. Giai đoạn cận AIDS và AIDS, giai đoạn cuối cùng.
+ Triệu chứng: của nhiễm trùng cơ hội.
+ Xét nghiệm: T CD4 giảm nặng, còn <200 TB/ml máu.
+ Diễn tiến: tử vong 100%.
Trong 3 giai đoạn trên thì giai đoạn nhiễm HIV không có triệu chứng là rất phổ biến. Những người nhiễm HIV không có triệu chứng chiếm một tỷ lệ rất cao, gấp hàng trăm lần số bệnh nhân AIDS mà chúng ta không thể kiểm soát được họ. Họ vẫn sống và sinh hoạt bình thường và có thể làm lây truyền HIV sang cho người khác. Nhiễm HIV là nhiễm suốt đời cho đến khi phát triển thành bệnh AIDS.
Tiến triển từ HIV sang AIDS: trong vòng 1 năm: 1%; trong vòng 2 năm: 2%; trong vòng 5 năm: 30%; trong vòng 10 năm: 90%.
Trước khi tiến triển thành AIDS, có thể không có triệu chứng và biểu hiện gì.
Phòng lây nhiễm HIV
Phòng lây nhiễm qua đường máu: chuyền máu an toàn.
Phòng lây nhiễm ở người nghiện ma túy: ngưng sử dụng ma túy, không ngưng thì “hít”, không “hít” thì sử dụng bơm tiêm sạch, không “sạch” thì không dùng chung.
Phòng lây mẹ sang con: không có thai, có thai thì không đẻ, đẻ thì điều trị và nuôi con theo tư vấn của Bác sĩ.
Điều trị HIV/AIDS
Điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.
Điều trị các nhiễm trùng cơ hội.
Điều trị bằng thuốc kháng virus.
Lưu ý: thuốc kháng vius không tiêu diệt được vi rút nhưng ngăn sự nhân lên của virus; giảm lượng vi rút trong máu; chống phá huỷ CD4 dẫn đến làm tăng lượng CD4; điều trị với 1 hoặc 2 thứ thuốc.
Không nên: không tuân thủ điều trị.
Nếu không có sẵn thuốc kháng Virus: điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội; điều trị tích cực các nhiễm trùng cơ hội: viêm phổi, lao phổi, nấm miệng, nấm não.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS của Tây Ninh
Tính đến ngày 30/9/2010:
- Toàn tỉnh Tây Ninh số lũy tích HIV/AIDS 2261 ca, tử vong 924 ca, hiện đang quản lý sống tại địa phương 434 ca.
- Huyện Hòa Thành: lũy tích HIV/AIDS 472 ca (355 nam, 117 nữ), chuyển sang AIDS 256 ca, tử vong 182 ca, hiện đang quản lý sống tại cộng đồng 97 ca (có 3 trẻ dưới 6 tuổi). Phân theo địa phương: Thị trấn 92, Long Thành Bắc 35, Long Thành Trung 66, Long Thành Nam 45, Trường Đông 43, Trường Hòa 14, Trường Tây 99, Hiệp Tân 63, Hòa Thành (không rõ địa chỉ) 15.
Phòng chống HIV/AIDS
1. Thông tin – giáo dục – truyền thông thay đổi hành vi.
- Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ:
+ Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và của mọi người dân đối với nhiệm vụ lãnh đạo và tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
+ Đổi mới, đa dạng hóa và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội, đến các cộng đồng dân cư, từng người dân, từng gia đình... nhằm xây dựng nhận thức đúng về nguy cơ và hiểm họa của dịch HIV/AIDS, có thái độ, hành vi, cư xử đúng đối với người nhiễm HIV/AIDS.
- Luật phòng, chống HIV/AIDS: khoản 1 điều 11 qui định: Mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
Mục tiêu của truyền thông: thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ, thay đổi hành vi.
Yêu cầu của truyền thông: chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; phù hợp với từng đối tượng, phong tục tập quán; không đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV.
2. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
- Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm trầm trọng thêm tình cảnh khốn cùng của những người bị nhiễm HIV/AIDS.
- Nhiều người bị nhiễm HIV do bị kỳ thị và phân biệt đối xử đã có những phản ứng tiêu cực, làm cho dịch bệnh càng có nguy cơ lan nhiễm với tốc độ nhanh hơn vì cái "phần chìm của tảng băng" càng phình ra do không được kiểm soát, không được dự phòng.
- Người có hành vi nguy cơ cao đã không tự nguyện đi xét nghiệm phát hiện HIV, để rồi khi nhiều người trong số họ đã chuyển sang giai đoạng AIDS mới được phát hiện là nhiễm HIV. Chính điều đó đã làm cho HIV có điều kiện lây nhiễm nhanh ra cộng đồng.
“Tất cả - bạn, tôi và chúng ta - hãy lên tiếng thật to và dõng dạc , đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh dịch bệnh này. Hãy mở ra những cánh cửa mới, hãy cùng nắm tay nhau để đẩy lùi đại dịch này” (nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan).
3. Can thiệp giảm tác hại phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS
Theo Từ điển thuật ngữ về ma túy, “giảm tác hại” nhằm đề cập đến chính sách, chương trình giảm những tác hại do việc sử dụng ma túy bất hợp pháp gây nên nhưng không nhất thiết phải yêu cầu từ bỏ ngay việc sử dụng ma túy.
Một số chương trình giảm tác hại được hình thành nhằm trước hết sử dụng ma túy một cách an toàn hơn, sau đó hoặc đồng thời thực hiện các nỗ lực tiếp theo để từ bỏ hẳn ma túy (ví dụ, chương trình phát bơm kim tiêm sạch và chương trình cung cấp bao cao su là những hoạt động giảm tác hại nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong số những người nghiện chích ma túy).
Như vậy, “giảm tác hại” là một chiến lược khác hẳn với “giảm cung” và “giảm cầu”, nhưng hoàn toàn có thể phối hợp, lồng ghép với một chiến lược giảm cầu ma túy toàn diện.
Mục tiêu của giảm tác hại: giúp người sử dụng ma túy sống khỏe mạnh và có ích trong khi cố gắng tiếp tục điều trị cai nghiện; bảo vệ cộng đồng thông qua việc giảm tội phạm và giảm lây nhiễm chéo HIV/AIDS; theo đuổi mục tiêu ngắn hạn dẫn đến kết quả lâu dài.
Kết luận
1. HIV không phải dễ lây như ta từng tưởng. Nếu biết bảo vệ thì không thể lây nhiễm.
2. Biện pháp phòng ngừa rất đơn giản. Phòng ngừa sốt rét, sốt xuất huyết khó khăn hơn nhiều.
3. HIV không thể chữa khỏi nhưng có thể điều trị được. Tích cực điều trị nếu không may bị nhiễm.
Bất kỳ ai, nam hay nữ, người già hay trẻ ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tôn giáo nào đều có thể nhiễm HIV.
HIV/AIDS không hề hạn chế ở một nhóm người nhất định, địa bàn nào nếu không biết phòng tránh nó.
HIV/AIDS đe dọa tất cả mọi người trong cộng đồng và toàn thể nhân loại.
Bạn không thể nói là nhìn người nào có thể biết họ bị nhiễm HIV/AIDS hay không: chỉ có thể phát hiện nhiễm HIV qua xét nghiệm máu của họ mà thôi.

Chân thành cám ơn
các đồng chí và các bạn
đã quan tâm theo dõi!
 
Cần trao đổi thông tin xin liên hệ: baotamnguyen@gmail.com

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay3,929
  • Tháng hiện tại99,556
  • Tổng lượt truy cập6,890,594
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây