Ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2012, bải bỏ các điều 15, 17 và 18 tại Mục 2 Chương II Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
So với Nghị định số 45/2005/NĐ-CP, Nghị định số 91/2012/NĐ-CP này có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng (Nghị định số 45/2005/NĐ-CP có mức phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 15 triệu đồng).
Mức phạt có số tiền ít hay nhiều theo phân cấp quản lý và tùy theo mức độ vi phạm như: Điều 23 quy định đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc hết hạn trên 3 tháng bị phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp xã quản lý; bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp huyện quản lý; bị phạt tiền từ 10–15 triệu đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp tỉnh trở lên quản lý. (Nghị định số 45/2005/NĐ-CP chỉ ghi 01 mức duy nhất từ 10-15 triệu đồng nếu không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP)
Tương tự, trong Điều 19 quy định xử phạt vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc cấp xã quản lý; Điều 20 thuộc cấp huyện trở lên quản lý;… Cấp quản lý cao hơn thì quy định mức tiền phạt cao hơn ví dụ: phạt tiền từ 0,5- 1 triệu đồng đối với hành vi Không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại đối với cấp xã quản lý; cùng hành vi này nếu thuộc cấp huyện quản lý thì số tiền phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.…
Mức phạt có số tiền tùy theo giá trị của sản phẩm như: Điều 16 quy định vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh thú y: thấp nhất thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng khi sản phẩm có giá trị đến dưới 500.000 đồng; cao nhất là bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng khi sản phẩm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên….
Ngoài ra, Nghị định còn quy định rõ hơn từng tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm bị phạt từ 3-20 triệu đồng.
Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 3-40 triệu đồng và có thể bị phạt gấp 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm nhưng không quá 100. triệu đồng.
Vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 15-50 triệu đồng.
Vi phạm quy định về sử dụng vi chất dinh dưỡng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 30-50 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP từ 9-12 tháng trong trường hợp tái phạm.
Nhìn chung các Quy định của Nghị định số 91/2012/NĐ-CP rõ ràng và phù hợp hơn cho từng đối tượng điều chỉnh, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP so với Nghị định số 45/2005/NĐ-CP. /.
Ds Công - TTYT.