Cô Cao Thị Thu Loan sinh năm 1983, sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Khmer ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành. Gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Yến, sinh thời là người hướng dẫn các em mặc sắc phục truyền thống Khmer, hướng dẫn các em nhỏ trong phum tập múa, tập đàn và biểu diễn trong sóc qua các dịp lễ tết của dân tộc. Nhất là trong những ngày lễ của đạo Cao Đài, bà và các em dân tộc Khmer biễu diễn đàn và múa Rômvong. Nối tiếp tinh thần nghệ thuật của mẹ, hai năm sau ngày mẹ mất, cô Loan đã tiếp bước mẹ dìu dắt và dạy cho các em múa Rômvong, trống Sadăm. Cô Loan đã đến từng nhà các em nhỏ từ 5 đến 11 tuổi, ra sức vận động, thuyết phục gia đình các em có năng khiếu đến nhà văn hóa để tập múa. Vận động gia đình một lần chưa được thì nhiều lần. Với sự nhiệt tình đó, các gia đình đã đồng ý cho con em mình đến tập múa trống. Từ đây, sau buổi chiều đi học về và dùng cơm xong, các em đến nhà văn hóa Khmer để cô Loan dạy đánh trống. Cô rất nhiệt tình hướng dẫn các em, chỉnh sửa từng động tác cho đến khi thành thục. Trống và đội múa từ 4 hoặc 6 bạn là có thể biểu diễn cùng nhau, vỗ trống nhịp nhàng tạo một giai điệu vui tươi, mạnh mẽ, dứt khoát, đặc biệt là không chỉ dùng tay vỗ lên mặt trống mà còn dùng cùi chỏ hoặc đầu gối hay gót chân đánh vào trống của nhau.
Múa trống Sadăm đòi hỏi người múa phải có sức khỏe, sự nhiệt tình, dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu trống, điệu bộ hình thể và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn múa cùng nhau, phải hòa quyện thành một khi biểu diễn, vỗ trống thật đều, từng nhịp múa nhào lộn thật đều nhau, uyển chuyển giữa những thành viên, giữ khoảng cách hợp lý để tạo cho điệu múa thêm đặc sắc. Cô Loan đã tận tâm dạy dỗ các em nhỏ múa trống, chỉnh sửa từng động tác cho các em lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư, nắm thật vững kỹ năng để biểu diễn một cách thành thạo.
Cô Loan cho biết, để chủ động nhạc cụ và y phục biểu diễn, cô đã sử dụng lại nhạc cụ và y phục biểu diễn của mẹ cô để lại và có bổ sung để hoàn chỉnh và đẹp mắt hơn. Nhờ biết giữ gìn có chọn lọc, nhạc cụ và y phục biểu diễn luôn sẵn sàng cho những ngày hội trong năm. Qua sự chỉ dạy tận tình của cô Loan, các em đã tiến bộ vượt bậc và đã biểu diễn trong ngày lễ Sen Dolta, tết Chol Chnăm Thmây, biểu diễn giao lưu ở nhiều nơi, gần đây nhất là biểu diễn tại Trung tâm thi đấu tỉnh Tây Ninh, trong đêm khai mạc lễ hội “ Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I, năm 2023 vừa qua. Bằng kinh nghiệm và sự nhiệt tình của mình, cô Loan đã truyền lửa và góp phần đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, giới thiệu cho nhiều người biết về múa trống Sadăm, tạo sự đoàn kết của đồng bào dân tộc trong sóc.
Ông Lê Bá Tường, bí thư chi bộ ấp Trường An, xã Trường Tây nhận xét, từ ngày các em nhỏ người dân tộc Khmer được cô Loan dạy múa trống, không khí trong phum náo nhiệt hẳn lên, các em nhỏ luôn nhiệt tình tập luyện, tiếng trống vang vọng hàng đêm làm cho phum sóc như thêm sức sống mới, góp phần đem lại niềm vui cho đồng bào vào các dịp lễ Dolta, tết Chol Chnăm Thmây, tạo cho người xem có cảm giác hào hứng, sảng khoái sau một ngày lao động vất vả, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân tộc Khmer.
Tác giả: thị xã Hòa Thành xã trường tây, Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã
Nguồn tin: UBMTTQVN xã Trường Tây
Ý kiến bạn đọc