Ngày 26/01/2016, UBND huyện Hòa Thành ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2016 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống tham nhũng, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình của Trung ương, chỉ đạo của Huyện ủy về công tác phòng, chống tham nhũng; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh; tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực và trình độ chuyên môn; xây dựng chính quyền các cấp thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Kế hoạch đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Các cơ quan, ban, ngành huyện, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, cụ thể là: Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2013 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012-2016; Kế hoạch số 59/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 của UBND huyện thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.
2. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện việc rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản trái quy định của pháp luật, không phù hợp với thực tế; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đảm bảo công khai minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí nhất là trong một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ…
3. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2013 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/7/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập. Thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập, báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị theo quy định.
4. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết triệt để các vụ việc tố cáo có liên quan đến tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu chi tài chính, quản lý sử dụng tài sản công…Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị tiến hành tự kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức; báo cáo kết quả kết quả kiểm tra về UBND huyện (qua Thanh tra huyện) trước ngày 31/10/2016.
6. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao năng lực hoạt động và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; thu hồi tải sản vi phạm do tham nhũng.
7. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.
8. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
(Nguyễn Văn Hoang – Thanh tra huyện)
Ý kiến bạn đọc