Gia đình ông Phạm Châu Kiên sinh năm 1956 quê quán ở Long An đến ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành lập nghiệp vào những năm 90 thế kỷ trước. Lúc đó gia tài có khoảng 50 triệu đồng từ tiền bán đất ở quê. Đến Hòa Thành sau khi mua miếng đất cất nhà, số tiền còn lại ông nuôi heo, gà. Những năm đầu ông gặp không ít khó khăn do vốn liếng ít, không đủ sức cho ăn, nên có lúc chưa tới lứa phải bán sớm để trang trải cuộc sống. Thấy vậy, Hội nông dân xã xét cho vay tín chấp 5 triệu đồng. Ông dùng số tiền cho vợ làm vốn buôn bán để tạo thu nhập hằng ngày. Mặt khác ông tận dụng diện tích xung quanh nhà trồng rau, tạo nguồn thức ăn thêm cho đàn gia súc gia cầm nhằm tiết kiệm vốn để đầu tư cho đến khi xuất chuồng. Với sự cần cù chịu khó qua các lứa thu hoạch, vợ chồng ông cũng tích lũy được chút vốn mở rộng việc chăn nuôi. Thời gian sau đó nhờ giá cả ổn định, gia đình ông thu nhập kha khá, có năm lên 150 triệu đồng. Có tiền ông mua 0,8 ha đất trồng rau, đào ao nuôi cá. Năm 2007, ông nuôi thêm trăn thịt và cung cấp con giống thu nhập khoảng 40 triệu đồng một năm. Ông Kiên cho biết: từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên dưới 170 triệu đồng/ năm từ việc nuôi heo, trăn, gà, cá. Từ một nông dân với số vốn ít ỏi, ông Kiên chịu khó làm ăn vươn lên làm giàu và được bình chọn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Ông Kiên còn thường xuyên bán thiếu con giống và trao đổi kinh nghiệm giúp cho nhiều nông dân xung quanh mình vươn lên.
Cùng thời gian với ông Kiên khi đến Tây Ninh lập nghiệp, gia đình ông Lê Công Danh, sinh năm 1954 ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây thuộc diện nghèo khó. Có 1,8 ha đất ruộng gò nhưng bạc màu, làm lúa không hiệu quả, gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, nhất là vào những lúc giáp hạt. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do Hội nông dân tổ chức, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hành. Đây là loại cây thích hợp với đất ruộng gò, thời gian cho thu hoạch chỉ từ 40 đến 45 ngày. Các vụ đầu do chưa kinh nghiệm đối với loại cây trồng này, nên ông Danh gặp thất bại. Trồng đến gần ngày thu hoạch, cây hành bị bệnh, lá từ từ rụi, teo tóp lại, cây không phát triển, thế là mất trắng. Không nản chí, ông lặn lội đi đây đi đó sưu tầm tài liệu, sách báo cũng như tham quan các hộ trồng hành ở các nơi khác, cuối cùng cũng giúp ông thành công. Vào các năm năm 2007, 2008 giá cả cây hành lên cao cộng với năng suất tăng nên cho thu nhập từ 22 triệu đến 25 triệu đồng trên một công hành sau khi trừ chi phí. Tổng thu nhập từ 1,8 ha hành khoảng 140 triệu đồng/ năm. Ông Danh được bình chọn nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.
Ông Kiên và ông Danh là những người trong đội ngũ hùng hậu nông dân sản xuất giỏi ở huyện Hòa Thành với trên 4.000 hộ. Với lực lượng này so với số hộ nông dân toàn huyện thì cứ 3 hộ nông dân thì có 01 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Phải nói rằng với tính cần củ chịu khó, ham học hỏi, đúc kết kinh nghiệm họ đã làm ăn có hiệu quả, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Nhưng đóng góp vào sự thành công đó, không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội nông dân trong huyện. Các cấp Hội đã có nhiều hình thức, chương trình nhằm tác động giúp nông dân làm ăn. Thông qua việc ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thông, Ngân hàng Chính sách xã hội, bình quân mỗi năm các cấp Hội nông dân trong huyện đã cho gần 5.000 hộ nông dân vay hơn 50 tỷ đồng để đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất. Phối hợp với các Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật mở từ 50 đến 70 lớp tập huấn, hội thảo nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ngoài ra còn phối hợp với Trung tâm khuyến công Tây Ninh thường xuyên mở các lớp dạy nghề đan đát, trồng nắm rơm, rau sạch ..cho từ 150 đến 200 nông dân/ năm.
Một trong những phong trào được nhiều nông dân hưởng ứng, đó là huy động vốn nội bộ nhằm hỗ trợ nông dân nghèo. Đến nay toàn huyện đã huy động được gần 800 triệu đồng, xét cho 249 lượt hộ vay làm kinh tế gia đình. Nhờ nguồn vốn này đã giúp cho không ít hộ như: Nguyễn Văn Bảy ngụ Trường Tây, Trần Ngọc Danh, Phan thị Thanh ngụ Long Thành Trung… từ nghèo khó vươn lên.
Đời sống khấm khá, nông dân trong huyện tích cực hưởng ứng đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi năm đóng góp hàng trăm triệu đồng và trên 2.000 ngày công lao động sửa chữa, xây dựng giao thông nông thôn, làm cho đường thông hè thoáng góp phần tạo diện mạo mới ở nông thôn, đô thị.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy