Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. (Khoản 1, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Các tài sản trí tuệ thuộc nhóm quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; các tài sản trí tuệ thuộc nhóm quyền liên quan bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. (Khoản 1, Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Các tài sản trí tuệ thuộc nhóm quyền đối với giống cây trồng gồm vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. (Khoản 3, Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Các tài sản trí tuệ thuộc nhóm quyền sở hữu công nghiệp gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. (Khoản 4, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019;
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006;
- Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2011, 2013.
Vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ
- Sở hữu trí tuệ được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội do nó tạo ra giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
- Quyền sở hữu trí tuệ biến các tài sản trí tuệ thành tài sản độc quyền có thể mua bán, trao đổi trên thị trường. Người khác không thể tự tiện sử dụng, thương mại hóa những tài sản độc quyền này nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu.
- Đối với địa phương, sở hữu trí tuệ giúp khai thác và phát triển đặc sản/ sản vật địa phương; bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở địa phương; tránh di dân mất đi nguồn nhân lực địa phương.
Có thể thấy rằng, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất, cá nhân, doanh nghiệp nên đi đăng kí sở hữu trí tuệ cho các đối tượng xác lập quyền thông qua thủ tục đăng ký càng sớm càng tốt; doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ ở nước ngoài càng sớm càng tốt khi xác định (những) nước này là thị trường sản xuất, kinh doanh tiềm năng./.
PHÒNG KINH TẾ THỊ XÃ HÒA THÀNH
Ý kiến bạn đọc