Ngày 14/7/2015, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức Đoàn giám định xã hội về hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, tại xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành.
Qua điều tra, số người trong độ tuổi lao động ở huyện Hòa Thành 98.532 người, trong đó số người có khả năng lao động chiếm khoảng 64%, số người thất nghiệp chiếm 1,7% và dự báo số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề chiếm gần 5%. Thực hiện đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các phòng, ban chuyên môn của huyện Hòa Thành đã liên kết các cơ sở dạy nghề trong tỉnh như Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện; Trung tâm học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh Tây Ninh; Công ty cổ phần doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức 55 lớp dạy nghề với khoảng 14/40 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tính từ năm 2011 – 2014, có 1.722 học viên theo học các nghề như trống nấm, rau mầm, nuôi cá nước ngọt, nuôi bò, lắp ráp cài đặt máy vi tính, lái xe, thợ hồ, nấu ăn, uống tóc… Trong đó, đa số đối tượng lao động thuộc nhóm III, chiếm trên 98%. Số lao động theo học nghề về nông nghiệp chiếm khoảng 19%, nghề phi nông nghiệp chiếm trên 81%. Sau khi học xong có trên 71% số lao động học nghề có việc làm.
Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã trang bị kiến thức, tay nghề chuyên môn, giúp cho nông dân có khả năng tự tạo việc làm, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, còn một số khó khăn vướng mắc như chưa huy động được các nguồn lực tham gia; chỉ có Công ty cổ phần doanh nhân Tây Ninh đảm nhận dạy nghề cùng lúc cho nhiều lớp nên tiến độ mở lớp còn chậm; kế hoạch đào tạo nghề có từ năm trước nhưng đến năm sau mới có kinh phí đào tạo nên khó thu hút lao động nông thôn. Ngoài ra, theo Công văn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì “chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề” là rất khó thực hiện…
Kim Phương