Sáng ngày 26/04/2024, tại Đình Long Thành đã diễn ra các nghi thức của lễ Kỳ yên, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến các bậc tiền nhân đã dày công khai phá, xây dựng làng Long Thành.
Đình Long Thành trước đây còn gọi là Đình Bến Kéo, thờ Đức Đại Thần Trần Văn Thiện. Đình được xây dựng từ năm 1915 trên một khu đất rộng 6.000 mét vuông, mặt đình quay về hướng Nam nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Năm 1993, Đình Long Thành được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ðình Long Thành đã được tôn tạo khang trang từ hơn 10 năm trước bằng nguồn vốn xã hội hoá, nay vẫn còn nguyên vẻ đường bệ và vững chắc. Trước ngai thờ chính, phẩm vật cúng dâng lên mấy lớp. Là các loại bánh tét, bánh bò, bánh ít. Các mâm xôi gấc, xôi đậu đủ màu. Và các loại trái cây tươi ngon mơn mởn của quê hương.
Lễ cúng Kỳ yên được thực hiện với các phần như: cúng Hậu sở, Hòa đờn, thỉnh hương Cụ Trần Văn Thiện từ lăng mộ về đình, ôn lại tiểu sử cụ Trần Văn Thiện, lễ khởi mõ- chiêng- trống và cúng đại lễ Kỳ yên.
Cụ Trần Văn Thiện sinh năm 1795, tại làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định. Vào thời vua Thiệu Trị, cụ Trần Văn Thiện cùng thân sinh và một số người đi khai phá vùng đất mới, cư dân vừa khai hoang, chống thú dữ, vừa phải mở đường, khai kênh, xẻ rạch lại phải thường xuyên chống giặc từ bên kia biên giới sông quấy nhiễu, với phương châm: động vi binh, tịnh vi nông. Suốt 40 năm khai sơn, phá thạch vùng đất mới này được mở rộng chạy dọc theo sông Vàm Cỏ Đông từ Cẩm Giang qua Thị Xã Tây Ninh đến tận Vàm Trảng Trâu. Cụ mất ngày 18.9.1883.
Để tưởng nhớ công lao của cụ Trần Văn Thiện, người dân trong vùng cất đình thờ cụ tại ấp Long Yên (nay là ấp Bến Kéo) và được triều đình Huế (dưới triều vua Tự Đức năm thứ 36) cho phép lập đình thờ cụ.
Tác giả: thị xã Hòa Thành xã long thành nam
Ý kiến bạn đọc