Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, UBND thị xã đã tham mưu Thị ủy tổ chức quán triệt, triển khai trong cán bộ chủ chốt nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động phong trào "Hòa Thành chung tay xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 đến các cấp, ngành, địa phương, nhân dân thực hiện.
Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, động viên tinh thần để người dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020 nhằm thực hiện có hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý các Chương trình MTQG cấp xã theo đúng quy định và xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, nghiêm túc tổ chức cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Có 35/35 ấp kiện toàn Ban Phát triển ấp để chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình.
Huyện Hòa Thành (nay là Thị xã Hòa Thành) luôn quan tâm công tác đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp:
+ Về quan điểm, quán triệt trong các cấp, các ngành bốn mục tiêu trụ cột của Chương trình NTM là: Tăng thu nhập của nông dân; Cải thiện môi trường sống; Nâng cấp kết cấu hạ tầng; Khuyến khích phát triển đời sống tinh thần và quan hệ xã hội ở nông thôn.
+ Về phương châm xây dựng NTM: Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn.
+ Về phương pháp thực hiện, phải kích thích sự tham gia của người dân bằng những lợi ích thiết thực; Phát triển cộng đồng xã hội; Phân cấp phân quyền quản lý và thực hiện dự án; Tăng cường năng lực của lãnh đạo của cơ sở; Phát huy dân chủ, sức sáng tạo của Nhân dân.
Để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, quan tâm tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư tập trung và đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề... theo các nghề trọng điểm đã được quy hoạch đối với các trường dạy nghề, mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân, nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn; khôi phục niềm tin của người dân vào chất lượng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở bằng các việc làm thiết thực; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chuyển đổi các làng nghề có điều kiện để phát triển thành các điểm du lịch, kết nối các tuyến du lịch trong vùng và giữa các vùng lân cận. Người dân thực hiện mô hình tự quản đối với các công trình do người dân đóng góp (các công trình làm đường GTNT, lắp đặt đèn thắp sáng đường quê...) theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ"
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể từ thị xã đến ấp (khu phố) đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả; như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng"; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa", "5 không 3 sạch"; "Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi"; Đoàn Thanh niên với phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc", xây dựng công trình "Thắp sáng đường quê", Cuộc vận động "Tuổi trẻ Hòa Thành chung tay xây dựng nông thôn mới"….
Qua thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống của người dân nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn được bảo vệ và phát triển theo hướng xanh-sạch-đẹp. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp tiền của, công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn... kết quả thực hiện Chương trình tại 07 xã xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền vận động thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", gắn với tham gia thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá quan trọng: từ năm 2016 đến nay, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã tự nguyện đóng góp 9.637,9 m2 đất làm đường giao thông, sửa chữa 151,92 km đường giao thông; nâng cấp 91,88 km, trong đó, đá dăm 80,705 km, bê tông xi măng 4,405 km, láng nhựa 6,77 km với tổng giá trị là 60.488,251 triệu đồng; Đóng góp thực hiện chương trình "Thắp sáng đường quê" ở các tuyến đường nông thôn dài 287,52km (8.165 bộ đèn) với số tiền 7.478,84 triệu đồng. Vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 12 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 30 căn, xây tặng 299 căn nhà đại đoàn kết với tổng giá trị 14.051,50 triệu đồng.
Từ đó, Nhân dân đã tích cực tham gia, đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng như làm đường giao thông nông thôn, chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư… góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.
Từ năm 2016 đến nay, Thị xã đã xét khen thưởng cho 9 lượt xã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua Hòa Thành chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 17.700.000 đồng;112 tập thể, 245 cá nhân có thành tích xuất sắc; 91 đại diện tổ chức, doanh nghiệp và 64 cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới; tặng giấy khen cho 68 tập thể, 291 cá nhân có thành tích xuất sắc; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 05 thể 02 cá nhân có thành tích xuất sắc và 05 cá nhân.
Nhìn chung, qua thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến nay Chương trình đã được kết quả tương đối toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đời sống vật chất của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ đó đã tác động đến nhận thức của đại đa số Nhân dân về lợi ích của Chương trình đối với đời sống xã hội.
Hòa Thành luôn xác định Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là Chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt trong giai đoạn 2016 - 2020, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, công tác xây dựng thôn nông thôn mới trên địa bàn huyện đảm bảo thực sự bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, văn minh đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, trước mắt là tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" từ năm 2010 đến nay.
Đến nay, huyện Hòa Thành (Thị xã Hòa Thành) cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Bình quân đạt 19/19 tiêu chí/xã. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được duy trì, nâng cao chất lượng theo quy định.
Trên các thành quả đạt được, trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, Thị xã Hòa Thành sẽ tiếp tục tập trung đưa chương trình Nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết giữa chính quyền địa phương với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu Đến năm 2022, phấn đấu có 4/4 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Đến năm 2024, có 2/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định./.
Loan Phương
Ý kiến bạn đọc