Thực hiện Kế hoạch số 605/KH-BCĐ ngày 10/4/2014 của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Tây Ninh về việc triển khai Kế hoạch thanh, kiểm tra “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014; trên cơ sở thực tế công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua và dự báo diễn biến năm 2014. Căn cứ tình hình thực tế công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện Hòa Thành xây dựng Kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 17/4/2014 tổ chức triển khai Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”:
Với vị thế khá thuận lợi, Hòa Thành là huyện trọng điểm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Tây Ninh, địa bàn hành chính tập trung, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có mạng lưới dịch vụ đa dạng phong phú, đồng thời là điểm dừng chân thuận lợi trên tuyến du lịch Tòa Thánh-Núi Bà và Trung tâm thương mại Long Hoa.Vì vậy sẽ có những dịch vụ, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đi kèm để phục vụ du khách, công nhân lao động, đặc biệt là loại hình thức ăn đường phố. Lợi của thức ăn đường phố là thuận tiện cho người tiêu dùng, giá rẽ, chủng loại thức ăn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ăn nhanh, uống nhanh, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho du khách, đồng thời cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, Tuy nhiên thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cao như: Không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng gần khu công cộng dễ ô nhiễm, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Để phát huy những tiện ích của thức ăn đường phố mang lại và hạn chế thấp nhất tình trạng mất vệ sinh của thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do thức ăn đường phố, đảm bảo an sinh xã hội và mĩ quan đô thị, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chợ đầu mối, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục cho nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyên truyền cho những người cung cấp thức ăn đường phố những kiến thức về chế biến, lưu giữ và phân phối thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh. Quan trọng hơn, tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm phải đặt yếu tố cộng đồng và xã hội lên trên, vì lương tâm của chính mình. Còn người tiêu dùng phải là những người “tiêu dùng thông thái”, biết lựa chọn thức ăn phù hợp, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh…
Cùng với công tác tuyên truyền, bộ phận thường trực và các cơ quan chức năng cần có những chế tài đủ mạnh trong việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhằm đủ sức răn đe những người không đủ hoặc không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Huỳnh Duyên