Hòa Thành được công nhận đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 05 tuổi vào tháng 9/2014, tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia năm 2015. Để có được kết quả như trên, trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị đã tập trung, tăng cường triển khai, chỉ đạo thực hiện đồng bộ tạo được sự chuyển biến mới trong nhận thức, trách nhiệm và ý thức hành động của cán bộ, đảng viên và người dân. Luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của ngành Giáo dục và Đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai các hoạt động phổ cập. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phổ biến và giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực học đường, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tạo cảnh quan môi trường theo 10 tiêu chí đánh giá vệ sinh trường lớp của ngành giáo dục.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, luôn có nhiều sáng tạo, giải pháp phù hợp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các phòng học, công trình phụ trợ; quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở xã có người dân tộc sinh sống, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, đóng góp công sức, kinh phí, vật liệu, hiến đất xây trường lớp. Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng ngày càng cao; xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT, thực hiện công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện, phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ đạt tỉ lệ 100% (vượt 20% so với chuẩn qui định); phổ cập giáo dục trung học cơ sở duy trì tỉ lệ 90% (vượt 10% so với chuẩn qui định); phổ cập giáo dục trung học phổ thông, có 6/8 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia. Thường xuyên rà soát, thống kê học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 phổ thông, trung cấp nghề, cao đẳng chuyên nghiệp và trung tâm dạy nghề, đạt tỉ lệ 95%trên tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Quy mô giáo dục và mạng lưới trường lớp, phát triển phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên, toàn huyện có 7/25 trường bán trú;100% xã, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Huyện có 03 trường trung học phổ thông, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, tổng số học sinh/lớp hiện nay 23.535/685. Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng thư viện trường học, các phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia, hiện nay có 14 trường đạt chuẩn quốc gia.
Những năm qua, phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động, phát động phong trào trong công tác xây dựng môi trường giáo dục, nâng cao dân trí cho nhân dân. Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân phát huy được sức mạnh của toàn xã hội trong công tác chăm lo giáo dục, tổ chức và thực hiện thường xuyên Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu và tiếp sức đến trường”, vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tặng quà, trao học bổng cho các em học sinh 1.680 phần quà, tổng giá trị 461.943 triệu đồng.
Việc huy động trẻ em 05 tuổi đến lớp, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non: Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng trẻ em 05 tuổi, trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên dạy lớp trên địa bàn huyện. Đưa chỉ tiêu, tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá tổ chức chính quyền, đoàn thể, gia đình văn hóa, hỗ trợ các trẻ em trong độ tuổi mầm non không có điều kiện đến lớp; hỗ trợ bữa ăn trưa tại các trường mầm non và hỗ trợ phần học phí nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Toàn huyện có 13 trường mầm non, mẫu giáo trên 8 xã, thị trấn với 100 nhóm lớp, có 12/13 đơn vị tổ chức bán trú, 02 trường mầm non tư thục. Huy động trẻ ra lớp nhà trẻ 17,16%; mẫu giáo 67,58%; mẫu giáo 05 tuổi 1.777/1.847/49 lớp, đạt 96,21%. Tỉ lệ trẻ được tổ chức bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non là 75,51%; tỉ lệ suy dinh dưỡng hàng năm giảm từ 7- 9%; 100% trường lớp có công trình vệ sinh phù hợp cho trẻ sử dụng; 100% trường mầm non, mẫu giáo có đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dụng cụ, nước sạch…phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt trong ngày của trẻ. Hiện nay các bậc học mầm non có 131 phòng học, trong đó có 40 phòng học kiên cố, tỉ lệ 30,53%; 84 phòng học bán kiên cố, tỉ lệ 64,12%; 02 phòng học tạm, tỉ lệ 1,53% và 05 phòng học mượn, tỉ lệ 3,82%.
Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn:Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục được kiện toàn kịp thời, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và việc tuyển sinh lớp 6 ở từng xã, thị trấn. Vận động các đối tượng bỏ học ra lớp chính quy ngay từ đầu năm học và mỗi xã, thị trấn phân công 01 giáo viên chuyên trách công tác phổ cập. Làm tốt công tác tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh lớp cuối cấp ngay từ đầu năm học về qui chế xét tốt nghiệp THCS, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp, giảng dạy chương trình hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9 do Bộ GDĐT qui định, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh. Thường xuyên đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Huyện duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi 2.058/2.058, tỷ lệ 100%; phổ cập THCS 6.594/7.278, tỷ lệ 90%; phổ cập THPT, công tác điều tra và vận động đối tượng trong độ tuổi ra lớp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể.
Toàn huyện có 1.781 giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có 348 giáo viên mầm non, 726 giáo viên tiểu học, 478 giáo viên trung học cơ sở và 229 giáo viên THPT hầu hết đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó trên chuẩn chiếm tỷ lệ 87,77%. Về cán bộ quản lý có 119 người, đều đạt chuẩn trình độ, trên chuẩn 114/119, tỷ lệ 95,8%.Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác giáo dục, đẩy mạnh công tác khuyến học. Có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và toàn xã hội thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh, vận động quỹ khuyến học 3,654 tỷ đồng; vận động tổ chức, cá nhân hiến 1.660m2_đất xây dựng 02 phòng học mẫu giáo và 01 Mạnh thường quân tài trợ 8 tỷ đồng xây dựng trường Mẫu giáo.
Trong 04 năm qua, có nhiều đổi mới trong công tác quản lý và chất lượng dạy học trong trường học theo hướng bền vững. Niêm yết đầy đủ các thủ tục, thực hiện cải cách hành chính theo đề án “Một cửa” để tiếp xúc với học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã được chuẩn hóa nghiệp vụ, ổn định về số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được quan tâm, số giáo viên sử dụng giáo án điện tử ngày càng nhiều, các trường được nối mạng Internet và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài chính, tài sản cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, thư viện, thiết bị, quản lý điểm số, sổ liên lạc điện tử và trong công tác giảng dạy. Hiện nay các trường thuộc thẩm quyền quản lý của huyện thực hiện tự chủ tài chính, phân bổ dự toán thu chi ngân sách cho các trường công khai minh bạch, có sự thẩm định cơ quan tài chính, thực hiện chi tiêu đảm bảo đúng chế độ và mục lục ngân sách hiện hành.
Trong thời gian tới, huyện Hòa Thành tiếp tục củng cố vững chắc và phát triển kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học ở những xã, thị trấn có điều kiện. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học nghề; hỗ trợ trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề; Thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện chính sách thu hút giáo viên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông cho cơ sở dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục.
Lương Thanh