Năm 2014, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Cán bộ, đảng viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm; đưa nội dung học tập gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi phẩm chất chính trị tư tưởng… khắc phục khuyết điểm của mỗi cá nhân để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
Về tinh thần trách nhiệm: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm. Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Nếu làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm. Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, mọi công tác, mọi hoàn cảnh đều phải có tinh thần trách nhiệm.
Ý thức trách nhiệm biểu hiện trong việc nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; thực hiện đúng đường lối quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người thấu hiểu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ.
Câu chuyện: “Sự phân công” trích trong cuốn “Kể chuyện Bác Hồ” là bài học sâu sắc nhất về ý thức đúng đắn trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác.
Chuyện kể rằng:
- Các cô, các chú nhiều người có đồng hồ ở đây chứ?
- Thưa Bác, có ạ!
- Các cô, các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim phút di chuyển hơi chậm, kim giờ thì rề rề chuyển chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không?
- Dạ, đúng ạ!
- Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: “Tôi chạy thế này thì mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu”. Mặt số kêu lên: “Đứng mãi một chỗ chán quá, cho tôi chạy như kim giây”. Bộ máy lại nói: “Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?
Cả lớp vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:
- Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!
- Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tuỳ theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bác được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công việc chung. Đó là sự phân công của tổ chức (Trích trong cuốn 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh).
Câu chuyện như một lời nhắn nhủ đối với mỗi chúng ta về sự phân công và ý thức về tinh thần trách nhiệm của mình trong công việc. Trong một guồng máy, mỗi người một việc đều có sự phân công cụ thể và liên hệ chặt chẽ nhau, trong sự phân công đó, mỗi người, mỗi bộ phận đều ý thức trách nhiệm chung, không thể làm theo ý muốn riêng lẻ của mình.
Có thể nói, mọi nghề, mọi việc đều vinh quang, đều phục vụ nhân dân. Hiểu đúng công việc của mình dù nhỏ, dù khó đều có lợi ích chung là phục vụ nhân dân. Do đó, chúng ta phải an tâm, tận tụy thực hiện nhiệm vụ, không đắn đo, so bì, với công việc phải làm, làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Nếu làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,... là không có tinh thần trách nhiệm. Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, mọi công tác, mọi hoàn cảnh đều phải có tinh thần trách nhiệm.
Nguyễn Thu (TTBDCT huyện)