Hiện nay, thị xã Hoà Thành có 05 di tích được xếp hạng gồm 01 di tích cấp quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã đã tham mưu UBND thị xã các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện; đồng thời ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý các di tích theo đúng quy định tại Quyết định số 50/ 2019/QĐ-UBND, ngày 27/11/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Đình Long Thành thuộc ấp Long Yên, xã Long Thành Nam là một trong số rất ít ngôi đình ở thị xã Hoà Thành. Đình được khởi công xây cất từ năm 1883, bên cạnh quốc lộ 22B trên một khu đất rộng 6.000m2 với hình thức tre lá thô sơ. Đến năm 1907-1910 được tu sửa lần đầu với mái đình lợp ngói, vách gỗ mãi cho đến những năm 1957 đình được đại tu toàn diện và giữ nguyên hình thức ấy cho đến nay. Đó là một không gian rất nên thơ, ngôi đình nằm yên ả dưới bóng xanh cây lá, mặt tiền quay về hướng nam có sông Vàm Cỏ. Cụ Trần Văn Thiện là Thành hoàng của đình Long Thành. Lễ Kỳ Yên được tổ chức hằng năm trong 2 ngày 17-18 tháng 3 âm lịch và một ngày lễ lớn khác là lễ Cầu Bông vào ngày 18.9 âm lịch. Ngày 12.10.1993, đình Long Thành đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Theo các vị trong Ban Quý tế đình Long Thành thì lễ Cầu Bông là ngày lễ để người dân bày tỏ lòng tôn sùng vị Thần Nông cũng như ước mong được mưa thuận, gió hoà, cuộc sống ấm no của người nông dân. Cầu Bông tức là cầu mong cho cây cối trổ hoa, kết quả, cho mùa màng thuận lợi. Thông thường, trong mỗi đình làng ở Nam bộ nói chung đều có miễu Thần Nông. Vốn là cư dân nông nghiệp, người nông dân Nam bộ rất coi trọng Thần Nông, vị thần theo quan niệm Nho giáo luôn gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp của nhân gian. Do đó, miếu thờ Thần Nông đều được xây dựng khá trang trọng ngay phía trước đình làng.
Lễ Cầu Bông ở đình Long Thành năm nay cũng như mọi năm thu hút đông đảo bà con nông dân không chỉ tại địa phương mà còn ở nhiều nơi khác. Ở xã Long Thành Nam hầu hết người dân đều là nông dân, sống với công việc sản xuất trên những cánh đồng ven sông Vàm Cỏ và đại bộ phận theo đạo Cao Đài nên buổi lễ có sự hỗ trợ tích cực về mặt nghi lễ của họ đạo Cao Đài địa phương. Bà con về dự phần đông đều chỉnh tề áo dài trắng như các lễ hội tôn giáo khác, các lễ sinh mặc áo xanh, mũ mão nghiêm chỉnh thể hiện từng động tác rất đồng bộ trong tiếng nhạc, chiêng, trống rộn rã. Con đường dẫn vào đình phất phới những lá cờ lễ hình vuông như vẫy chào kẻ đến, người về lũ lượt. Là một ngôi đình có tính chất khá đặc biệt và hoàn toàn khác hẳn với các đình trong tỉnh là trong phần sinh hoạt lễ hội có giọng kinh Cao Đài quen thuộc. Sau phần lễ là phần múa lân của các bạn trẻ và kết thúc bằng một tiệc cơm chay với nhiều món ăn khá hấp dẫn. Lễ Cầu Bông hằng năm đơn giản vậy mà không hề thiếu cái không khí náo nức, sôi động của mọi người, mọi lứa tuổi khác nhau. Lễ Cầu Bông còn là dịp họp mặt, gắn chặt thêm nghĩa xóm tình làng.
Tác giả: th phòng văn hóa thông tin, Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Hoà Thành
Ý kiến bạn đọc