Sử dụng BHYT là nhu cầu cần thiết của người dân trong việc khám, chữa bệnh tuy nhiên, một số hộ dân không đủ khả năng mua BHYT cho cả gia đình, mặt khác ngại đi khám, chữa bệnh mà chỉ mua thuốc ở các tiệm thuốc tây nên không kịp thời phát hiện khi bệnh nặng. Tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa, việc làm không ổn định, cuộc sống của chị em gặp nhiều khó khăn, chỉ lo lao động mà xem nhẹ việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Một số chị em còn khó khăn về kinh tế, số tiền mua bảo hiểm khá cao, nên chỉ ưu tiên mua cho con cái, còn bản thân thì chỉ mua tạm vài liều thuốc ngoài quầy khi bị đau ốm.
Từ thực tế đó, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh triển khai dựng mô hình“Góp vốn xoay vòng mua BHYT” vừa có ý nghĩa thiết thực vừa giúp hội viên phụ nữ được chăm sóc sức khỏe. Mô hình chú trọng thực hiện các nội dung chủ yếu như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật BHYT đến 100% hội viên; rà soát, thống kê số lượng hội viên chưa mua BHYT và tìm hiểu nguyên nhân hội viên chưa tham gia để vận động… Hội LHPN xã chọn ấp Trường Thiện làm điểm chỉ đạo để nhân rộng thực hiện, ban đầu có 16 hộ là thành viên, với hình thức hàng tháng tiết kiệm trong chi tiêu mỗi chị góp 100.000 đồng để hỗ trợ cho các chị em chưa có điều kiện mua BHYT. Đến nay đã được Hội nhân rộng thêm 3 tổ, với 64 thành viên tham gia.
Cho thấy mô hình “Góp vốn xoay vòng mua BHYT” đem lại hiệu quả thiết thực và đến nay có 64 hộ gia đình tham gia với 216/216 nhân khẩu có thẻ BHYT, ngoài ra mô hình còn vận động người dân tham gia BHYT được 673 thẻ, với tổng số tiền đồng trên 270.000.000 đồng. Định kỳ mỗi tháng, tổ chức sinh hoạt 01 lần gắn với sinh hoạt lệ chi, tổ Hội. Sau khi góp vốn xong Tổ trưởng sẽ nêu lên những hội viên thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ được ưu tiên tham gia BHYT trước, nên hội viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ không mặc cảm và hoàn toàn yên tâm tham gia.
Thông qua mô hình "Góp vốn xoay vòng mua Bảo hiểm y tế" không chỉ nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT; giúp đỡ, tạo điều kiện để hội viên và các thành viên trong gia đình tham gia, hưởng quyền lợi từ BHYT, hướng tới tham gia BHXH tự nguyện, góp phần giảm nghèo, hình thành thói quen tiết kiệm của chị em trong học tập và làm theo gương Bác, mà đây còn là mô hình góp phần rất quan trọng để hoàn thành tiêu chí số 15.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt mô hình này đã góp phần không nhỏ trong xây dựng Nông thôn mới.
Tác giả: thị xã Hòa Thành hội liên hiệp phụ nữ, Nhã Trúc
Ý kiến bạn đọc