Chiều ngày 16/3/2012, Trạm bảo vệ thực vật Hòa Thành tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VIETGAP và thực hiện cánh đồng mẫu lớn, vụ lúa Đông Xuân 2011 – 2012 tại ấp Long Trung, xã Long Thành Trung với tổng diện tích 53,9 ha. Đến dự còn có Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, Công ty phân bón Bình Điền, Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện và đông đủ bà con nông dân là những người sản xuất lúa trong và ngoài mô hình trên.
Anh Lê Văn Út, một nông dân ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, là người sản xuất lúa trong mô hình cho biết, vụ đông xuân vừa qua, anh xuống giống 6 ha lúa xác nhận do Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cung cấp gồm các giống như OM 5451, OM 7347, OM 10041 và được hỗ trợ tiền giống là 2000 đ/kg. Ngay từ đầu vụ, theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trạm bảo vệ thực vật huyện, anh cùng bà con nông dân ở đây xuống giống đồng loạt để né rầy, sạ thưa, áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng... Riêng phân bón được Công ty phân bón Bình Điền cung cấp các loại phân bón chuyên dùng cho lúa. Cuối vụ, 2 ha ruộng lúa giống OM 10041 của anh Út thu hoạch đạt năng xuất 8 tấn/ha, 4 ha lúa còn lại ước thu hoạch trên 7 tấn/ha. Anh cho biết, do làm đúng quy trình hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật huyên nên ruộng lúa của anh đạt khá, giảm chi phí tiền giống (chỉ sử dụng 100 – 120kg/ha), phân bón và nhất là ít sâu bệnh nên giảm các loại thuốc phun xịt phòng trừ. Qua thực tế sản xuất, 58 hộ dân trong mô hình cũng cho biết ruộng lúa vụ Đông Xuân năm nay ít sâu bệnh hơn, năng suất đạt cao hơn vụ Đông Xuân năm trước, chỉ có một số ít bị bệnh cháy bìa lá do thời tiết trái mùa, rầy nâu, đạo ôn xuất hiện ở mật độ thấp và được bà con phòng trừ kịp thời. Tuy nhiên, điều bà con ở đây băn khoăn là hiện nay giá lúa quá thấp, mặc dù chi phí có giảm nhưng vẩn chưa có lãi cao so với các cây trồng khác.
Theo tính toán của Trạm bảo vệ thực vật huyện thì tổng chi phí cho 1 ha lúa trong mô hình là khoảng trên 15 triệu đồng, với năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha, giá lúa 4100 kg, thì nông dân còn lãi khoảng 13,6 triệu đồng/ha. So với ruộng lúa của những hộ dân ngoài mô hình chỉ đạt năng suất 6,6 tấn/ha do trồng giống lúa địa phương, phân bón, xịt thuốc nhiều hơn nên lợi nhuận giảm chỉ còn khoảng 9,6 triệu/ha.
Mô hình liên kết 4 nhà đã đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, tạo ra loại lúa tốt có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn việtgap và hình thành mối liên kết trong việc sản xuất lúa đồng loạt giữa các hộ dân với các doanh nghiệp, xây dựng nên cánh đồng mẫu lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới xã Long Thành Trung. Ông Ngô Văn Chuối, một nông dân cho biết thêm, trước đây trồng các loại giống lúa trôi nổi nên năng suất đạt không cao, lại bị sâu bệnh nhiều nên không hiệu quả. Khi tham gia mô hình liên kết 4 nhà, nhờ áp dụng khoa học kỷ thuật nên đạt hiệu quả cao hơn, làm lúa nhẹ nhàn mà có hiệu quả cao.
Nguyễn An