Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Để phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó yêu cầu về chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, mang lại cơ hội xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang các nước, tăng thu nhập cho doanh nghiệp.
Đối với chăn nuôi nông hộ, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe con người, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nguồn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đối với chăn nuôi tập trung, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, là yếu tố quan trọng giúp phát triển chăn nuôi bền vững.
Mục tiêu trước mắt và lâu dài là đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, hướng tới một nền chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng công nghiệp; hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần tăng năng suất và sản phẩm chăn nuôi.
Do đó, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh không những là điều kiện tiên quyết để phát triển chăn nuôi mà còn là biện pháp để có đủ sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng, cung cấp sản phẩm chăn nuôi sạch, hướng tới xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người.
Huỳnh Thị Hảo - Trạm Thú y Hoà Thành
Ý kiến bạn đọc