Xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí nào?

Thứ hai - 12/03/2012 21:30 340 0

Xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí nào?

Thời gian gần đây, thuật ngữ “nông thôn mới” được báo chí nhắc đến nhiều và đang thu hút sự quan tâm của nhân dân. Tuy nhiên, với nhiều người, Chương trình xây dựng nông thôn mới và nội dung cụ thể của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới vẫn còn mới lạ, đặc biệt là bà con nông dân - những chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Để phục vụ nhu cầu của đọc giả, Trang Thông tin điện tử huyện Hòa Thành xin giới thiệu bài viết của phóng viên Khắc Hiếu cung cấp những thông tin cơ bản nhất liên quan tới vấn đề này...

 

       Thay đổi căn bản ở khu vực nông thôn!
       Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào tháng 4-2009, là sự hợp thành của 19 nội dung tiêu chí cụ thể, phân thành 5 nhóm. Nhóm thứ nhất là tiêu chí về “Quy hoạch và thực hiện quy hoạch”. Nhóm thứ hai về “Hạ tầng kinh tế - xã hội” với các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư. Nhóm thứ ba là về “Kinh tế và tổ chức sản xuất”, gồm tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Nhóm thứ tư “Văn hóa- xã hội - môi trường” gồm tiêu chí giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường. Và cuối cùng là nhóm về “Hệ thống chính trị” với 2 tiêu chí: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội.
      Có thể khẳng định, Bộ tiêu chí quốc gia đã xác định những chỉ tiêu rất chi tiết, cụ thể trên hầu hết các mặt đời sống, xã hội, sản xuất, sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Có những tiêu chí mang tính vật thể (điện, đường, trường, trạm, thu nhập, nhà ở), nhưng cũng có những tiêu chí mang tính phi vật thể như: Tỉ lệ phổ cập giáo dục, lao động qua đào tạo, tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, thôn, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, v.v...
       Trong 19 tiêu chí, có chỉ tiêu được tính chung trong cả nước, có chỉ tiêu áp dụng theo các vùng khác nhau. Nếu thực hiện đúng các tiêu chí này, đời sống vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn sẽ có bước đổi thay căn bản so với hiện nay. Chỉ riêng tiêu chí về giao thông nông thôn cũng thực sự là cuộc cách mạng! Chẳng hạn, 100% đường trục xã, liên xã (trên tất cả các vùng) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; 100% đường trục thôn, xóm ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Đông Nam Bộ, 70% đường trục thôn, xóm khu vực Tây Nguyên và 50% khu vực nông thôn miền núi phía Bắc được “cứng hoá” đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Tỉ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt chỉ tiêu 100% tại tất cả các vùng. Tỉ lệ đường trục chính nội đồng được “cứng hóa”, xe cơ giới có thể đi lại thuận tiện đạt 100% số ki-lô-mét đối với vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, 70% số ki-lô-mét đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, 50% số ki-lô-mét đối với vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
        Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, ngày 21-8-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí này. Qua đó, các tiêu chí mang tính “vật thể” (như trường học, nhà ở, trung tâm văn hóa, chợ nông thôn) đã được cụ thể hóa một cách chi tiết. Chẳng hạn, để đạt trường mầm non, nhà trẻ có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia phải có diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 12 mét vuông cho một trẻ ở khu vực nông thôn và miền núi. Khuôn viên có tường bao ngăn cách với bên ngoài bằng gạch, gỗ, kim loại hoặc cây xanh cắt tỉa làm hàng rào. Trường có đủ các phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị, phòng ngủ, phòng ăn, hiên chơi, phòng y tế, khu vệ sinh, khu để xe... Phòng sinh hoạt chung được trang bị đủ bàn ghế cho giáo viên và trẻ, có máy vi tính, các phương tiện làm việc và trang thiết bị y tế, đồ dùng theo dõi sức khỏe …
      Ngay cả nơi dành cho “người về già” cũng được hướng dẫn rất cụ thể: “Nghĩa trang phải có khu hung táng, cải táng, tâm linh, nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận tiện cho thăm viếng. Mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao…”. Các tiêu chí khác cũng được “chi tiết hóa” theo hướng này.
       Quả thực, đó là sự “đổi đời” cho người dân nông thôn!
       Mục tiêu: 5.000 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020
      Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Mục tiêu tổng quát của chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển nông thôn theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cải thiện đời sống vật chất của người dân, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội...
      Trước mắt, từ nay đến năm 2015, phấn đấu trong cả nước sẽ có hơn 20% (trong tổng số gần 10.000 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư nông thôn tăng gấp hơn 1,5 lần, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Đến năm 2020, con số này sẽ là 50% số xã (tương đương 5.000 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư tăng gấp 2 lần và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo 11 đề án về phát triển nông thôn, trong đó có các đề án về quy hoạch, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, đào tạo, y tế... Để phục vụ được chương trình này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trung bình mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới cần đầu tư từ 120 đến 150 tỉ đồng. Về việc đầu tư xây dựng nông thôn mới Nhà nước sẽ phân loại hỗ trợ, có nơi hỗ trợ 100%, có nơi hỗ trợ một phần tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ, ưu tiên cho những xã làm tốt. Điều quan trọng là người dân phải tự tham gia vào quá trình này một cách thiết thực, như thực hiện lối sống, nếp sống mới, tự cải tạo nơi ở cho văn minh, sạch sẽ, thân thiện với môi trường, trồng cây xanh, sửa sang hàng rào, khai thông cống rãnh, nhà tiêu hợp vệ sinh…
      Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho biết: Căn cứ vào Bộ tiêu chí quốc gia, muốn được công nhận là “huyện nông thôn mới”, phải có 75% số xã trong huyện đạt “xã nông thôn mới”. Còn đối với tỉnh, phải có 80% số huyện nông thôn mới thì mới đạt “tỉnh nông thôn mới”. Thời gian tới sẽ ưu tiên tập trung toàn lực vào xây dựng nông thôn mới trước cho 797 xã thuộc các huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do nguồn vốn cần để xây dựng rất lớn, ngoài năng lực nội tại theo hướng “Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng làm”, rất mong được các tổ chức quốc tế tham gia giúp đỡ để thành lập Quỹ quốc tế về Phát triển nông thôn, góp phần vào sự thành công của chương trình.
       Ở nhiều vùng nông thôn nghèo, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, những tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thực sự mở ra một viễn cảnh đàng hoàng, đẹp đẽ và sung túc nơi làng quê yên bình, thuần khiết. Chắc chắn, từ chủ trương đến hiện thực cuộc sống sẽ là cuộc hành trình nhiều thách thức, và điều đó đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của Nhà nước, địa phương và chính các hộ dân.

 “Bộ tiêu chí là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiểm tra, đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới. Bộ tiêu chí sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ...”.
 (Nguồn: Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

                                                                                                            
         KHẮC HIẾU

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay5,459
  • Tháng hiện tại52,474
  • Tổng lượt truy cập5,641,923
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Thi đua khen thưởng
hkg
e office
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây