Ở nước ta hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm A/H7N9 ở trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh A /H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động, Cúm A/H7N9 là chủng virus mới chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus gia cầm.
Hiện nay chưa phát hiện các đàn gia cầm ốm, chết do virus A/H7N9 cho nên rất khó khăn trong việc kiểm soát việc nhiễm virus trên các đàn gia cầm, thủy cầm. Hiện tại, cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị nên khi môi trường bị nhiễm virus A/H7N9 thì dễ lây sang người và bùng phát thành dịch trong cộng đồng và khó khăn trong việc điều trị.
Trước tình hình trên, UBND huyện Hòa Thành đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc phòng, chống cúm A(H1N1, H1N5, H7N9) trên địa bàn huyện Hòa Thành. Kết quả cho thấy Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người huyện, xã đã có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh, khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện được trang bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất tẩy trùng, thuốc phòng, chống dịch bệnh và bố trí phòng cách ly khi có dịch xảy ra, các Trạm Y tế xã, thị trấn cũng bố trí một phòng cách ly và 02 bộ áo, khẩu trang chống dịch.
Các lò giết mổ gia cầm tập trung ở xã Long Thành Trung được cán bộ Thú y huyện kiểm dịch thường xuyên, các trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện được Trạm Thú y huyện kiểm tra, định kỳ tiêm ngừa đàn gia cầm và tẩy trùng chuồng trại 6 tháng/lần. Tuy nhiên việc tuyên truyền phòng chống cúm A (H1N1, H1N5, H7N9) trong nhân dân chưa được thường xuyên còn hạn chế, việc mua bán gia cầm ở các chợ chưa được quản lý chặt chẽ.
BS. Nguyễn Văn Năng