Thực hiện Kế hoạch liên tịch giữa Hội Nông dân và ngành nông nghiệp. Vừa qua, Hội Nông dân phối hợp cùng Trạm bảo vệ thực vật huyện Hòa Thành tổ chức buổi Hội thảo nhằm sơ kết Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung.
Vụ hè thu năm 2013, bà con nông dân có đất trong cánh đồng mẫu lớn thuộc xã Long Thành Trung tiếp tục tham gia mô hình với tổng số 86 hộ, với diện tích thực hiện là 60,12 ha. Do đặc điểm vùng đất này nằm dọc ven sông Vàm Cỏ Đông, tương đối bằng phẳng, có nhiều phù sa bồi đấp nên thích hợp canh tác vụ lúa từ 2-3 vụ/năm. Tham gia Mô hình bà con nông dân được cán bộ hướng dẫn áp dụng các tiến bộ KHKT trong việc thâm canh lúa như gieo sạ tập trung, né rầy; sử dụng giống lúa xác nhận, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh; áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình “4 đúng”, quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa và giảm thất thoát sau thu hoạch. Trong suốt quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật Trạm bảo vệ thực vật huyện thường xuyên xuống đồng cùng bà con nông dân theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây lúa và kịp thời đưa ra các biện pháp phòng trừ. Kết quả, ruộng lúa trong mô hình giảm chi phí gần 1 triệu đồng so với ruộng ngoài mô hình trong đó 3 khâu giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm đáng kể. Ngoài ra, do chăm sóc, quản lý tốt nên năng suất lúa trong mô hình đạt cao hơn, trung bình khoảng 5,7 tấn/ha, lợi nhuận trên 25 triệu/ha, tăng thêm gần 2 triệu đồng so với lúa ngoài mô hình, trừ chi phí còn lãi trên 8 triệu đồng/ha.
Tại buổi hội thảo này, cán bộ Hội Nông dân, Trạm BVTV huyện cùng bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong vụ canh tác lúa vừa qua. Trong đó khó khăn về giống, phân bón cung cấp còn chậm, tình hình dịch hại, sâu bệnh không đáng kể.
Tuyết Mai