Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy-Ủy ban nhân dân huyện, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở và sự nỗ lực của tập thể Ban chủ nhiệm và xã viên các hợp tác xã, hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Hòa Thành sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) tiếp tục được duy trì, ổn định.
Hoạt động kinh tế tập thể đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Các tổ hợp tác và hợp tác xã đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho xã viên và người lao động, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với sản xuất nhỏ, kinh tế hộ.
Về hợp tác xã: toàn huyện hiện có 14 hợp tác xã, thu hút trên 5.000 xã viên. Trong đó:
- Lĩnh vực nông nghiệp: 03 hợp tác xã. Ngành nghề hoạt động: sản xuất và mua bán rau an toàn, mua bán sản phẩm mủ cao su, phân bón.
- Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp: 06 hợp tác xã. Ngành nghề hoạt động: sản xuất và kinh doanh bánh tráng, hàng mây tre, quần áo may sẵn, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng nông sản thực phẩm
- Lĩnh vực dịch vụ vận tải: 02 hợp tác xã, gồm kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đường bộ
- Lĩnh vực tín dụng: 03 quỹ tín dụng nhân dân.
Về tổ hợp tác: toàn huyện hiện có 02 tổ hợp tác (thành lập theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác) và 04 tổ hợp tác (chưa thành lập theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP), thu hút trên 300 thành viên và người lao động, hoạt động theo các ngành nghề: gia công đồ gỗ, trồng bông, nuôi cá, se nhang...
Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã gắn với nhu cầu của người dân là giúp nhau làm kinh tế, tương trợ nhau trong sản xuất như: liên kết vay vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giống mới,… Thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến công, phát triển ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã viên, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác được tiếp cận thành tựu khoa học-công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiệu quả kinh tế lớn nhất mà hoạt động kinh tế tập thể đem lại là tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động.
Các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực trong việc huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân cư và đáp ứng nhu cầu bức thiết về vốn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tiêu dùng, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định, số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn ít, lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều, kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, quy mô hoạt động nhỏ, lẻ, thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng ở mức trung bình, số hợp tác xã tồn tại trên danh nghĩa có xu hướng tăng lên. Sức cạnh tranh trên thị trường kém, không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm trực tiếp mà chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, hoạt động sản xuất kinh doanh không mang tính ổn định, lâu dài. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất chưa tốt, thiếu mạnh dạn trong đầu tư, năng lực tiếp thị và khai thác thị trường yếu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình kinh tế xã hội cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực kinh tế tập thể cũng ngày càng khó khăn, giá nguyên liệu cao, sản xuất không có lãi, mức tiêu thụ chậm, hàng hóa tồn đọng nhiều.
* Những kinh nghiệm được rút ra qua quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX):
- Việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải đặt dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp với sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng.
- Các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, đổi mới thực sự cả về nhận thức và phương pháp, xây dựng định hướng kinh doanh phù hợp, phương án sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã phải mang tính khả thi và gắn với thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú ý khai thác thế mạnh tiềm năng của địa phương.
- Xác định đúng đắn nhu cầu và vai trò của xã viên trong việc tham gia hợp tác xã. Xây dựng hợp tác xã phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, chăm lo lợi ích của xã viên. Lấy lợi ích kinh tế xã hội của xã viên làm mục tiêu phấn đấu của hợp tác xã, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa xã viên với hợp tác xã.
Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa thường xuyên, lâu dài của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là một sự nghiệp hết sức khó khăn. Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp này, cần có sự quyết tâm thống nhất phối hợp hành động giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, tập trung chăm lo thích đáng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đưa kinh tế tập thể thoát khỏi yếu kém, tiến tới đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư địa phương, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới của huyện.
Kim Cương