Lễ hội truyền thống cách mạng động Kim Quang: Một nét xuân đặc sắc

Thứ tư - 16/02/2011 18:20 596 0

Lễ hội truyền thống cách mạng động Kim Quang: Một nét xuân đặc sắc

 

     
      Vào mùa xuân, có nhiều hình thức lễ hội được tổ chức ở núi Bà Đen, trong đó có lễ hội truyền thống cách mạng động Kim Quang (gọi tắt là lễ hội Kim Quang). Điểm đặc biệt là trong khi tất cả các hoạt động lễ hội trên núi Bà Đen đều là lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, kể cả những hoạt động vui chơi, mang tính chất “hội” do ngành du lịch tổ chức, đã có từ lâu đời thì lễ hội Kim Quang là lễ hội mới, lễ hội truyền thống cách mạng do Đảng bộ, chính quyền huyện Hoà Thành tổ chức. Được duy trì liên tục hàng năm (từ năm 1983 đến nay) nên lễ hội Kim Quang đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương huyện Hoà Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
     Theo các tài liệu lịch sử cách mạng, mùa thu năm 1961 Tỉnh uỷ Tây Ninh chủ trương thành lập huyện Toà Thánh, đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong vùng tạm chiếm thuộc quận Phú Khương của chế độ Sài Gòn. Sau khi thành lập, dựa vào địa thế núi Bà Đen, Huyện uỷ Toà Thánh xây dựng căn cứ trú quân tại đây, hình thành Ban Chỉ huy quân sự huyện với đại đội bộ đội địa phương và các bộ phận hậu cần, công xưởng sản xuất vũ khí, đơn vị quân dân y… đóng tại nhiều nơi trên sườn núi và chung quanh chân núi. Đặc biệt, sau khi tỉnh thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có sự tham gia của các chức sắc yêu nước trong đạo Cao Đài, thanh niên nam nữ có đạo tham gia vào lực lượng vũ trang trong một tổ chức gọi là “Ban Củng cố hoà bình chung sống”. Lực lượng này cùng đóng quân trên núi Bà Đen, tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc. Giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, Huyện uỷ và Ban Chỉ huy quân sự huyện Toà Thánh đóng tại động Kim Quang, một động đá lớn nằm về phía Tây Nam sườn núi Bà Đen, ở độ cao khoảng 150 mét, mặt động nhìn về phía thị xã Tây Ninh và khu vực Toà Thánh – Long Hoa dưới đồng bằng, chung quanh động có nhiều gộp đá lớn xen lẫn những cụm rừng rậm rạp, gai góc và vực sâu khe suối hiểm trở, tạo thành công sự tự nhiên bảo vệ động Kim Quang như một cứ điểm rất vững chắc. Từ cứ điểm này xuất phát những chủ trương của Huyện uỷ Toà Thánh chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở các xã vùng tạm chiếm tập trung dân cư thuộc khu vực Toà Thánh - Long Hoa. Đồng thời cũng từ động Kim Quang, lực lượng vũ trang của huyện xuất phát, phối hợp với các đơn vị của Miền, của tỉnh tấn công địch, lập nhiều chiến công oanh liệt.
    Họp mặt truyền thống, ôn lại lịch sử kháng chiến vẽ vang để tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng cho thế hệ kế thừa là nội dung chính của lễ hội Kim Quang. Ngày cao điểm trong mùa Hội xuân đầu tiên (năm 1983) là ngày 14 tháng giêng, cũng chính là ngày được chọn làm ngày lễ hội Kim Quang. Bắt đầu từ năm đó, lễ hội này được duy trì liên tục, tính đến nay đã 29 mùa Hội xuân. Hơn một phần tư thế kỷ duy trì lễ hội với sức thu hút không hề giảm sút, lễ hội Kim Quang thực sự trở thành lễ hội truyền thống văn hoá đặc sắc của huyện Hoà Thành.
    Về nội dung “phần lễ” lãnh đạo huyện giao cho Ban Tuyên giáo Huyện uỷ thực hiện với văn bản chính của lễ hội là “diễn văn truyền thống” do người đứng đầu đảng bộ huyện (Bí thư Huyện uỷ) tuyên đọc tại lễ hội. Văn bản thứ hai là “Phát biểu của đại diện thế hệ trẻ” do người đứng đầu Đoàn TNCSHCM của huyện (Bí thư Huyện đoàn). Hai văn bản này là nội dung chủ đạo, không thể thiếu trong “phần lễ” của lễ hội.
   Cũng như mọi nămPhần hội” là trách nhiệm của ngành Văn hoá và  Thông tin huyện và các ngành liên quan như Nội vụ, LĐTB-XH,... Các phần việc chuẩn bị trang hoàng sân lễ, đặt đài tưởng niệm và lư hương để làm lễ đặt tràng hoa và thắp hương tưởng niệm anh linh liệt sĩ; chương trình biểu diễn múa lân, biểu diễn ca nhạc phục vụ lễ hội do Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện thực hiện. Nội dung chương trình biểu diễn văn nghệ cũng được bàn bạc chi tiết.
 
    Sau phần lễ, gần như cùng lúc với chương trình văn nghệ diễn ra trên sân lễ, các cán bộ, công chức cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các xã, thị trấn trong huyện Hoà Thành, thầy, trò các nhà trường trong huyện dự lễ hội Kim Quang họp thành từng nhóm, toả ra các khóm cây trong vườn cây bên hồ tạo cảnh dưới chân núi Bà để liên hoan, chuyện trò, đàn hát rất vui vẻ. Phần hội diễn ra dưới ánh trăng nguyên tiêu (rằm tháng Giêng âm lịch) sáng vằng vặc, bên khung cảnh sơn thuỷ hữu tình, gây ấn tượng rất sâu sắc trong lòng người tham dự.
      Từ một cuộc lễ mang tính kỷ niệm của những người kháng chiến, lễ hội Kim Quang qua hơn một phần tư thế kỷ diễn ra liên tục, đã trở thành lễ hội của toàn dân huyện Hoà Thành. Hằng năm cứ đến dịp Tết là các địa phương trong huyện bắt đầu nô nức chuẩn bị tham dự lễ hội Kim Quang, không khí lễ hội lan ra từ khu vực cơ quan Nhà nước đến các khu dân cư trong toàn huyện. Từ đó đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Hoà Thành, lễ hội Kim Quang hằng năm đã thực sự là một tập quán ngày xuân, một phần đời sống văn hoá tinh thần không thể thiếu. Đồng thời do được tổ chức đúng ngày cao điểm mùa hội xuân núi Bà Đen, trong lúc khu du lịch này đang tập trung số lượng du khách cao nhất, nên đã thu hút cả những người ngoài huyện, ngoài tỉnh đến tham gia, Lễ hội Kim Quang mặc nhiên đã trở thành một bộ phận, một trong những nội dung chính của lễ hội núi Bà Đen.
                                          NGUYỄN TẤN HÙNG - KHẮC HIẾU

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay4,132
  • Tháng hiện tại126,474
  • Tổng lượt truy cập4,712,406
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
hkg
e office
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây