Từ ngày 03 - 12/6/2013, Đoàn khảo sát hoạt động kinh tế tập thể và trang trại huyện Hoà Thành đã tiến hành khảo sát thực tế hoạt động của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và trang trại trên địa bàn.
Đây là một phần trong nỗ lực nhằm củng cố và nâng cao chất lượng HTX, đồng thời đánh giá đúng thực chất hoạt động của các THT, HTX và trang trại trên địa bàn huyện, qua đó xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, đưa các HTX yếu kém đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện có 04 THT, 11 HTX và 06 trang trại, 04 THT gồm Tổ liên kết sản xuất đồ gỗ xã Hiệp Tân, Tổ liên kết sản xuất trồng bông xã Hiệp Tân, Tổ liên kết se nhang xã Long Thành Bắc và Tổ liên kết nuôi trồng thủy sản xã Long Thành Trung đã tạo việc làm cho 304 lao động, với thu nhập bình quân hàng tháng từ 03 - 05 triệu đồng/1 lao động. Các HTX, gồm 03 HTX nông nghiệp, 06 HTX tiểu thủ công nghiệp và 02 HTX giao thông vận tải, đã tạo việc làm cho 429 lao động và 102 đầu xe hoạt động. Trong khi 06 trang trại (được cấp giấy chứng nhận), gồm 03 trang trại nuôi heo, 03 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp, với giá trị sản lượng hàng năm đạt 23,237 tỷ đồng, cũng đã tạo việc làm cho 25 lao động.
Hoạt động của các THT, HTX, trang trại đã gắn với nhu cầu của người dân là giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến công, phát triển ngành nghề nông thôn, xóa đói giảm nghèo, … giúp cho xã viên các HTX được tiếp cận thành tựu khoa học- công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng xuất hiệu quả vật nuôi, cây trồng. Hoạt động kinh tế tập thể cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Đa số cán bộ quản lý THT, HTX trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, thiếu linh hoạt trong quản lý, điều hành, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh bền vững. Các HTX phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn đầu tư công nghệ, công nghệ sản xuất còn thủ công, lạc hậu, sản phẩm chưa có thương hiệu nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường với sản phẩm cùng chủng loại, việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay chủ yếu do xã viên tự bán sản phẩm của mình sản xuất cho thương lái, giá bán không ổn định, thường bị ép giá.
Nhiều HTX hoạt động chưa đúng quy định của Luật HTX, nhận thức về mô hình kinh tế tập thể của xã viên chưa cao. Xã viên HTX chưa thực sự thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với HTX, cụ thể là việc góp vốn điều lệ vào HTX chỉ mang tính hình thức tượng trưng. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, chủ yếu cho cá nhân xã viên vay dưới hình thức tham gia vào tổ liên kết vay vốn, thông qua bảo lãnh của các hội, đoàn của xã. Từng xã viên sử dụng vốn vay để hoạt động sản xuất riêng lẻ, không có sự góp thêm vốn vào sản xuất kinh doanh của HTX ngoài số vốn điều lệ ít ỏi ban đầu khi mới thành lập; các HTX giao thông vận tải hoạt động kinh doanh theo loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định và hợp đồng, HTX chỉ đóng vai trò trung gian có tư cách pháp nhân để hỗ trợ xã viên ký hợp đồng, lệnh điều xe, lệnh vận chuyển để vận tải hành khách. Xã viên tự khai thác hợp đồng và hoạt động theo tuyến cố định, tự thu, tự chi. Hàng tháng HTX thu phí quản lý và thuế khoán do HTX quy định đối với từng tuyến, từng loại phượng tiện và quyết toán thuế theo quy định.
THẾ XUÂN