ĂN THẾ NÀY LÀ SANG RỒI!

Thứ năm - 14/07/2016 13:00 112 0

ĂN THẾ NÀY LÀ SANG RỒI!

            Giữa cái nắng nóng của những ngày cuối tháng tư thế mà ông Hai lại xuất hiện với bộ đồ đại cán của người cựu chiến binh, ngực đầy huân chương. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Lòng tôi chợt hỏi: "Cái gì thế này?"

        Bằng cái giọng miền ngoài trọ trẹ, khó khăn lắm  tôi mới hiểu.

  • Có bố ở nhà không hỉ?

    Chắc ông lân la làm quen đây! Tôi lễ phép mời ông vào nhà rồi rót nước mời khách như thường lệ. Cái sự tò mò hiếu kỳ về những tấm huân chương lủng lẳng, lấp lánh trên ngực ông, tôi bạo dạn hỏi:
  • Ông đeo cái gì trên ngực áo nhiều thế?

    Câu hỏi vô tình khơi gợi ở ông một niềm tự hào khó tả xuất hiện rõ trên gương mặt già nua, đầy nếp nhăn của một người từng trải. Ông vội vàng giải thích:
  • Huân chương của Đảng và Nhà nước tặng hỉ!

    Câu trả lời của ông dường như tôi vẫn còn ngờ ngợ, khó hiểu. Để mở đầu cho một câu chuyện, tôi vẫn cố lì hỏi tiếp:
  • Ông làm gì mà Đảng và Nhà nước tặng cho ông nhiều đến thế?

    Ông chợt trầm ngâm, đằng hắng một tiếng rõ to. Và câu chuyện bắt đầu bằng cảm xúc say sưa xen lẫn niềm tự hào về quãng đời binh nghiệp dài đằng đẵng đánh đổi cả sự mất mát và hi sinh.

    Năm ông ba mươi chín tuổi vẫn còn trai trẻ vừa mới lập gia đình. Bà Hai lúc này mới sinh cái Diệu – con gái ông Hai mà ở xóm tôi vẫn thường gọi là thím út. Cái Diệu chưa đầy ba tuổi. Ông hưởng ứng lệnh gọi tổng động viên ra Bắc tập kết năm 1954. Thế là không một chút đắn đo. Ông từ giã vợ con lên đường làm nghĩa vụ của một người trai. Vợ dại con thơ gửi lại quê nhà cho hàng xóm cưu mang.

    Những ngày đầu ở tận miền Bắc xa xôi, ông vẫn dăm lá thư gửi về thăm hỏi sức khỏe, động viên bà Hai gắng sức chăm con. Cuộc đời binh nghiệp rày đây mai đó, ông không còn đủ thời gian thư từ cho bà Hai nữa, bặt tin nhau từ đấy.

    Rồi bà Hai rời Phù Cát, Bình Định cùng với cái Diệu theo người thân di dân vào Nam để còn có điểm tựa khi ông Hai vắng nhà. Cả một chặng đường dài Bà Hai vào Nam với đứa con thơ chẳng biết làm gì để sống. "Thôi thì cứ đi!" – bà nghĩ có gì thì họ hàng cũng đùm bọc, chở che.

    Vào Nam, bà bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng tại xóm Ninh Thọ, xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

    Với số tiền ít ỏi bà đã dành dụm được từ khi còn ở ngoài Trung, bà bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề chằm nón lá, nghề truyền thống ở quê nhà. Bà chắt chiu tích góp cũng nuôi được cái Diệu trưởng thành đến lúc yên bề gia thất. Còn lại một mình ăn chẳng bao nhiêu nên bà không còn phải lo cơm áo gạo tiền. Bà từ giã xóm Ninh Thọ vào chùa Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh tìm sự bình yên nuôi hy vọng mong manh có ngày ông Hai sẽ trở về.

    Thế rồi cái Diệu cũng sinh cho bà bốn đứa cháu ngoại, phụng sự bên nhà chồng – cái Diệu là dâu út. Hằng ngày cái Diệu vẫn quản lý cái quầy giải khát của má chồng giao lại ở chợ Thương Binh. Cháu đã lớn, bà Hai thì già, thím út (cái Diệu) sợ bà hai khi trái gió trở trời một mình đơn chiếc. Thím út mạnh dạn ngỏ lời với má chồng cho cất tạm chòi tranh ở sau hè nhà. Má chồng bằng lòng thế là thím út rước bà Hai về tá túc sớm hôm trông nom. Cái chòi tranh khiêm tốn chỉ đủ kê chiếc giường ngủ, một gian bếp để hằng ngày bà Hai tự nấu ăn. Bà tiếp tục nghề chằm nón để có tiền trang trải cuộc sống, không phải làm phiền đến con vì con mình còn làm dâu. Tự trọng là thế, cần mẫn là thế!

    Cái hi vọng ông Hai trở về dường như khó thành hiện thực. Và cuộc sống của bà Hai cũng tạm yên lòng gần con gần cháu lúc tuổi già đã vui lắm rồi. Hạnh phúc nào hơn.

    Mãi đến năm 1986, ông Hai vác ba lô trở về dãi đất miền Trung nơi người vợ trẻ con dại ngày ông ra đi đã ở đó. Trong ông lúc này niềm vui pha lẫn niềm hạnh phúc. Vui vì ông sẽ gặp lại vợ con sau ba mươi hai năm xa cách. Hạnh phúc vì ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Ông về lần này là ông huyên thiên thành tích, chiến công với vợ con, hàng xóm và láng giềng.

    Ông về với bao ý nghĩ trong đầu: nào là lâu quá chắc bà Hai không còn nhận ra ông, cái Diệu chắc đã lớn lắm đây… Và rồi bao ý nghĩ vui mừng cho ngày hội ngộ bỗng tan biến khi bà Hai và cái Diệu không còn ở đó. Cả người ông như đổ quỵ không trụ vững được nữa. Nhưng rồi cái chất lính, tinh thần lính không cho phép ông gục ngã, ông phải tìm cho được vợ con. Ông tiếp tục khoác ba lô theo địa chỉ của chú Bốn vào Nam. Chặng đường dài nuôi hi vọng.

    Và rồi, ông cũng đến được xóm Ninh Thọ, biết tin cái Diệu đang bán quầy giải khát ở chợ Thương Binh còn bà Hai tá túc bên nhà chồng cái Diệu. Ông tiếp tục hành trình đến chợ Thương Binh lần tìm cái Diệu. Ông vào quầy gọi một ly nước. Như thường lệ cái Diệu mang nước ra cho khách. Ông cầm lấy ly nước mà hai dòng nước mắt tuôn tràn. Còn cái Diệu thì nghĩ trong lòng:
  • Ông này lạ kỳ, gọi nước xong không uống mà ngồi khóc.

    Một lúc lâu, ông Hai mới bình tĩnh xen lẫn cảm xúc vui mừng nói ngay:
  • Cái Diệu, bố đây con!

    Quá bất ngờ, sửng sốt trước người khách xa lạ tự nhận và giới thiệu là bố mình. "Cái Diệu đúng là tên mình rồi!". Cô hàng giải khát (cái Diệu) đứng yên bất động, lắng nghe từng lời ông kể. Những kỷ niệm về bố quá đỗi mơ hồ, chỉ thoáng cảm nhận hình ảnh người bố qua lời kể của má. Thế rồi cái Diệu cũng hiểu được đôi điều. Lúc này không chỉ một mình ông khóc mà cái Diệu cũng òa khóc nức nở, vội vã đóng cửa quầy hàng chở ông Hai bằng xe đạp về nhà. Dẫn ông Hai ra chòi tranh, lúc này bà Hai đang tựa cửa chằm nón, cái Diệu chợt hỏi rõ to vì bà Hai già lại thêm cái bệnh lãng tai.
  • Má biết ai đây không?

    Bà Hai mắt đờ đẫn, nheo nheo nhìn thật lâu. Bà chợt đứng dậy tiến lại gần ông Hai nắm tay đấm vào ngực ông vừa mừng, vừa vui, vừa khóc, vừa nói:
  • Sao ông không đi hẳn, về làm chi rứa?

    Câu nói hờn dỗi, trách móc vụng về nhưng có lẽ trong thâm tâm bà Hai vẫn thấu hiểu được nhiệm vụ thiêng liêng của ông Hai ngày ấy. Hoàn cảnh chiến tranh chứ ông đâu có muốn. Rồi bà Hai loăn xoăn đi nấu cơm đãi ông ngày gặp lại. Nói đến đây ông Hai nhìn tôi và cười. Tôi mơn man hòa cảm xúc vào câu chuyện và hỏi ông Hai câu cuối cùng.
  • Chắc hẳn đây là quê hương thứ ba của ông chứ?

    Ông trả lời chắc, gọn:
  • Ừ, già rồi đi đâu nữa hỉ!

    Tôi lặng thinh dường như đã hiểu những tấm huân chương trên ngực ông. Nó quý, nó có ý nghĩa đến nhường nào của ngày 30/4 chiến thắng. Và tôi bắt đầu quý ông lúc nào không biết. Ông trở thành hàng xóm thân thiết tự lúc nào chẳng hay. Những lúc rỗi tôi hay mon men sang nhà ông trò chuyện. Từ ngày ông về, bà Hai chỉ có việc chằm nón còn mọi việc ông lo tất. Ông cất thêm cái chuồng nuôi gà từ đồng lương hưu ít ỏi để lấy trứng cải thiện bữa ăn, rồi ông xới đất làm thêm những luống rau muống, rau dền, rau cải… . Tiền chợ không phải lo.

    Một hôm tôi sang lúc ông và bà đang ăn cơm. Tôi cố ngồi thêm để tìm hiểu đôi điều cuộc sống hiện tại từ ngày ông về. Ông vừa gắp thức ăn cho bà vừa bảo:
  • Ông nhận lương hưu được triệu mấy hàng tháng. Ông chỉ mua gạo, dầu hôi, nước mắm, phần tiền còn lại để dành lúc ốm đau tuổi già không phải nhờ đến con cháu.

    Rồi ông chỉ vào mâm cơm chỉ có rau luộc, trứng luộc dầm tương, nước rau luộc làm canh dường như ông hiểu được điều tôi nghĩ. Ông nói luôn:
  • Ăn thế này là sang rồi, Đảng và Nhà nước ta còn nghèo lắm hỉ!

    "Cái nghèo" của Đảng và Nhà nước ta chỉ có những người từng vào sinh ra tử như ông mới thấu hiểu. Tôi chợt liên tưởng ngay đến bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" sáng tác vào tháng 2 năm 1941 tại Pắc Bó - Cao Bằng của Hồ Chí Minh.

    "Sáng ra bờ suối tối vào hang

    Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

    Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

    Cuộc đời cách mạng thật là sang."

    "Thật là sang", chữ "sang" mang ý nghĩa là sang trọng, đầy đủ, chữ "sang" làm bật lên tiếng cười vui vẻ, niềm lạc quan trước cuộc sống còn nhiều gian khổ, thiếu thốn. Đó là tinh thần "thép" của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.

    Ông Hai có đủ phẩm chất của một người lính Cụ Hồ. Trở về cuộc sống đời thường sống trọn tình làng nghĩa xóm, ngoài chăm chỉ, cần cù với công việc, ông còn dạy dỗ, nhắc nhở các cháu, đỡ đần công việc cho vợ con dù tuổi già sức yếu. Ông vẫn thường hay nói:
  • Bù đắp cho vợ con những năm tháng ông vắng nhà.

    Hàng xóm cần là ông có mặt hỗ trợ, gắn bó thân tình.

    Theo tôi, ông xứng đáng là người cựu chiến binh gương mẫu, một đảng viên ưu tú thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

    Tiếc thay, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27/12/2015 hưởng thọ 101 tuổi tại nhà riêng của cái Diệu ở ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ông mãi mãi là niềm tự hào, là niềm vinh dự lớn lao gần 10 tấm huân chương kháng chiến hạng I, II, III mang tên Lê Sang, người con ưu tú của Đảng ta, của Nhà nước ta.

    Ông ơi! Con đã hiểu hết sự hi sinh cả một thời trai trẻ của ông đúng với lời thề tâm huyết của thế hệ thanh niên ngày ấy "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

    Ngày hôm nay, trước vong linh ông, con kính cẩn thắp một nén nhang để tạ lỗi cùng ông, để tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh quá lớn của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuổi trẻ chúng con tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện đạo đức, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Gương mẫu thực hiện xuất sắc Chỉ thị 03-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

                                           Trần Thị Thanh Trúc-THPT Nguyễn Trung Trực

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,191
  • Tháng hiện tại128,379
  • Tổng lượt truy cập6,749,301
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây