Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắn của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó, trung thực luôn luôn gắn liền với trách nhiệm.
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Trách nhiệm là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “có tinh thần trách nhiệm cao”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm. Đó là nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Thông qua câu chuyện Ngân hàng nhà nước phục vụ cho ai? sẽ giúp chúng ta thấy được điều đó:
Một ngày trong năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công nhân, cán bộ nhà máy dệt Nam Định. Mọi người trong phân xưởng đều làm việc. Chủ tịch đi qua một phòng thấy có ba người ngồi. Bác hỏi:
- Các cô, chú làm gì đấy?
Anh Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa:
- Dạ, thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.
Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi:
- Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?
Anh Bảo thưa:
- Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.
Bác gặng:
- Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?
Anh Bảo báo cáo:
- Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thấy cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác.
- Mỗi lần được gửi bao nhiêu?
- Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.
Bác hỏi:
- Thế Bác có một hào, có gửi được không?
Tất cả, từ Giám đốc nhà máy, Bí thư, cán bộ ngân hàng, quỹ tiết kiệm đều không trả lời được…
Cho đến năm 1996, nhân dịp kỉ niệm “45 năm mùa sen nở” của nghành Ngân hàng, anh Bảo bây giờ đã thành ông cụ Bảo mới nói với cán bộ ngân hàng trẻ rằng:
“Mãi về sau tôi mới hiểu ra rằng Ngân hàng nhà nước ta là ngân hàng nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân, nên trước hết phải giúp đỡ Dân, giúp đỡ người nghèo, lo cho người nghèo có vốn để sống, để làm kinh tế, để có tiền gửi Ngân hàng, để nuôi Ngân hàng và phải tạo mọi điều kiện có thể để thu hút được nhiều tiền tiết kiệm, chẳng hạn, sãn sàng nhận gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít…
Một câu hỏi mà hơn một phần tư thế kỷ tự tôi mới tìm ra được ý nghĩa của câu trả lời.
Nguyễn Thu (TTBDCT huyện)