Nhằm trang bị kiến thức cho bà con nông dân chuyên canh rau thực hiện theo quy trình VietGAP, ngày 17/4/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh kết họp với Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Hòa Thành, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức triển khai đề án VietGAP trên rau cho 10 xã viên Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thành Bắc.
Theo đề án này, nông dân tham gia mô hình sẽ được tập huấn, cung cấp tài liệu về tiêu chuẩn VietGAP; về phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM); sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; quy trình sản xuất một số loại rau trong mô hình; an toàn vệ sinh lao động, an toàn điện, sử dụng máy móc thiết bị nông nghiệp và hướng dẫn sơ cứu thương, vệ sinh cho nhân công trên đồng ruộng… Ngoài ra, hàng tuần cán bộ kỷ thuật sẽ giám sát bà con nông dân thực hiện theo đúng quy trình VietGAP, hướng dẫn ghi nhật ký đồng ruộng và quản lý tình hình sâu bệnh. Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình sẽ được hổ trợ 100% tiền hạt giống trên rau; 30% tiền vật tư thiết bị như màng phủ nông nghiệp, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật và còn được hỗ trợ 100% tiền đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu sản xuất tập trung như bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, khu pha chế thuốc, trang bị tủ thuốc gia đình, dụng cụ chứa thuốc BVTV, phân bón, kho chứa vật tư (hổ trợ 30%), xây dựng nhà sơ chế, đóng gói… Trong thời gian thực hiện mô hình, các loại rau sẽ được ngành chức năng lấy mẫu phân tích chi tiết về vi sinh, kim loại nặng và dư lượng thuốc BVTV…
Tại buổi triển khai, 10 xã viên hợp tác xã rau an toàn xã Long Thành Bắc đã đăng ký tham gia với diện tích 3 hecta gồm các loại rau ăn trái như khổ qua, dưa leo, bầu, bí, bông cải… Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này nông dân phải có đất trực tiếp chuyên canh rau, đất thuê tối thiểu phải trên 5 năm và cam kết tuân thủ quy trình VietGAP suốt 5 năm, mỗi năm sẽ được hổ trợ 3 vụ, sau 2 năm thực hiện nếu kiểm tra đạt chất lượng sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Kim Phương