Phòng, chống dịch heo tai xanh

Thứ tư - 20/06/2012 03:20 390 0

Phòng, chống dịch heo tai xanh

 

Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 14/6/2012 cả nước có 8 tỉnh: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu và Đồng Nai có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Sau một thời gian tạm lắng, dịch heo tai xanh xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhiều đàn heo của 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu đã mắc bệnh, nguy cơ dịch lan rộng đang ở mức báo động.
Trước tình hình dịch heo tai xanh đang bùng phát nhanh gây ra tâm lý lo lắng cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 06/CĐ-BNN-TY ngày 05/4/2012 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch heo tai xanh; Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh có Công văn số 804/UBND-KTN ngày 25/4/2012 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch heo tai xanh; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh có Kế hoạch số 28/KH-BCĐ ngày 04/6/2012 về việc triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch heo tai xanh trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Hòa Thành có Kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 08/6/2012 về việc triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch heo tai xanh trên địa bàn huyện Hòa Thành.
Về tác nhân gây bệnh heo tai xanh
Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome: PRRS), là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Bệnh do virus Nidovirales, họ Arteviridae, bộ Nidovirales gây ra (PRRS virus thuộc nhóm RNA virus). Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sẩy thai ở heo nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở heo con cai sữa. Heo bị virus xâm ngập vào cơ thể sẽ làm giảm chức năng miễn dịch không đặc hiệu, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh khác xâm nhập gây bệnh kế phát ở hệ hô hấp. Heo chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân  bệnh khác như Dịch tả heo, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, E. coli, Streptococcus suis, Mycoplasma spp., Salmonella, v.v…Cho đến nay, lợn là động vật duy nhất mắc hội chứng này.
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Thời gian có thể kéo dài khoảng 5-15 ngày tùy theo sức khỏe của heo. Virus có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang...
Nguyên nhân dẫn đến dịch heo tai xanh bùng phát nhanh
Chu kỳ heo bị bệnh tai xanh là thường bắt đầu vào cuối tháng 3 và cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 là rộ lên và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân xảy ra dịch là do việc phát hiện chậm, khi xảy ra dịch lại không làm quyết liệt. Các địa phương không phát hiện, khai báo dịch kịp thời, có địa phương đã giấu dịch, heo mắc bệnh không được tiêu hủy ngay, có nơi bán chạy, vận chuyển heo bệnh đi nơi khác.
Nguyên tắc là khi xảy ra dịch các tổ chức phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất để khống chế dịch. Không cách ly con gia súc mắc bệnh, không lập chốt kiểm dịch nên heo bị bệnh dịch tai xanh đã lan ra ngoài, nếu khi phát hiện cần ngăn cấm không cho heo vận chuyển khỏi ổ dịch và cũng không mang heo từ ngoài vào ổ dịch.
Cách phát hiện bệnh heo tai xanh
Các biểu hiện của bệnh thường không đặc trưng và dễ nhầm lẫn khi kế phát với các bệnh khác. Để phát hiện heo bệnh tai xanh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn heo nuôi và sử dụng định nghĩa ca bệnh lâm sàng theo Cục Thú y như sau: heo sốt cao trên 40oC; khó thở; có những vết bầm, thâm tím trên da, tai tím xanh. Heo ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh. Trong thực tế chăn nuôi, khi người nuôi thấy các dấu hiệu sau đây: heo chích kháng sinh nhiều ngày không giảm; có nhiều heo nái sẩy thai, hoặc sốt nằm đờ đẫn, hôn mê; heo con, heo cai sữa cả đàn có biểu hiện ửng đỏ toàn thân hoặc tai tím bầm là phải nghi ngờ heo bị tai xanh.
Cách nhận biết thịt lợn bị bệnh heo tai xanh
Người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được thịt heo tốt, khỏe và thịt heo bệnh, chết nếu khi mua quan sát và lựa chọn kỹ. Trên da của miếng thịt heo tốt khỏe phải trắng đều, không có điểm tụ máu, hoặc màu sắc khác. Thịt khi cắt ra thì mặt cắt phải khô và đồng nhất, không có những màu sắc khác, ví dụ như những điểm tụ máu, tím bầm là không tốt. Khi ấn tay vào, thịt phải có sự đàn hồi, bề mặt hơi dính; nếu ấn tay vào lõm, không nhả ra được hoặc có nước chảy ra thì đấy là thịt heo bệnh. Thịt heo bệnh thường không để được lâu, nếu trong thời tiết nóng nực dễ bị ôi thối.
Nên mua thịt rõ nguồn gốc, phải nhìn kỹ thịt. Không nên vì rẻ tiền mà mua, đặc biệt là cần phải lưu ý nên mua thịt được kiểm định của bên thú y và có nguồn gốc xuất xứ.
Người dân không vì quá hoang mang mà tẩy chay thịt heo, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh lây nhiễm từ heo là chúng ta nên mua thịt heo ở những nơi bảo đảm vệ sinh an toàn và phải có xác nhận kiểm dịch của thú y.
Dịch heo tai xanh có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hoặc gây ra dịch bệnh trên người không?
Tiến sĩ Đặng Văn Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ - Cục Thú y khẳng định dịch heo tai xanh không ảnh hưởng đến người. Cho đến nay nhiều nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản…đều xác định bệnh này không lây truyền sang người và các gia súc khác. Chỉ có bệnh liên cầu khuẩn heo mới lây sang người nhưng chỉ tập trung vào nhóm người như: người mổ heo, người bán thịt heo, người chăn nuôi và thầy thuốc thú y.  
Vậy có nghĩa là người dân có thể yên tâm tiêu thụ thịt heo khi dịch heo tai xanh đang hoành hành?
Nếu thói quen ăn uống không vệ sinh thì không cần dịch bệnh, sức khỏe người dân vẫn bị ảnh hưởng. Do đó, không được ăn thịt heo sống gồm nem chạo, nem chua, không ăn tiết canh, nội tạng heo chưa nấu chín, không ăn thịt heo ốm chết, không mua thịt heo khi chưa có kiểm định của thú y. Đối với người giết mổ heo thì sau khi làm thịt heo xong cần rửa tay bằng xà phòng, khi giết mổ thì đi găng tay.
Đối với những vùng có xảy ra dịch tai xanh trên heo thì người dân cũng cần hết sức cảnh giác bởi heo bị nhiễm bệnh tai xanh thì sẽ rất dễ nhiễm các bệnh kế phát như: liên cầu heo, tụ huyết trùng, tả, phó thương hàn... 
Có thể điều trị được bệnh heo tai xanh hay không?
Bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để trị tiệt căn bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc chống bội nhiễm các bệnh khác mà không diệt ngay được vi rút bệnh. Nếu không bị bội nhiễm bệnh khác gây chết, cơ thể heo sẽ tự tạo được kháng thể tự nhiên chống lại virus PRRS và heo dần hồi phục. Thực tế cho thấy, các trại nuôi có qui trình vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, qui trình tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như Dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn, Suyễn heo đầy đủ thì kể cả khi có bệnh phát sinh cũng chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và khả năng khỏi đạt đến 90% nếu được chăm sóc điều trị hợp lý.
Qua thực tế theo dõi việc chăm sóc, điều trị heo bệnh tại một số trang trại thời gian gần đây, chúng tôi giới thiệu đến người chăn nuôi một phác đồ điều trị gợi ý như sau:
- Trước tiên phải cách ly số heo bệnh, chăm sóc tốt, giữ chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.
- Nếu heo có biểu hiện sốt: tiêm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, (tức các loại kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn trên đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục…) và là loại kháng sinh có tác dụng kéo dài (tức các kháng sinh có thời gian lưu trữ lâu trong cơ thể từ 48 giờ trở lên, các kháng sinh này thường được ghi ký hiệu trên nhãn với chữ L.A. in hoa). Việc tiêm các kháng sinh L.A. này sẽ giảm thiểu số lần tiêm giúp cho heo ít bị áp xe hơn, dễ hấp thu thuốc hơn. Không nhất thiết phải mua các kháng sinh nhập đắt tiền vì đối với bệnh này, kháng sinh chỉ có tác dụng ngăn bội nhiễm chứ không phải là thuốc điều trị chủ lực.
- Pha Vitamin C + Glucose hoặc Eletrolytes hoà nước cho uống hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho heo.
- Nếu heo sốt cao: sử dụng thuốc hạ sốt (như Paracetamol, AnaginC...), còn trường hợp thở khó thì dùng thuốc long đờm, trợ hô hấp (như Bromhexin).
Bệnh có thể khỏi từ 5-15 ngày tùy thuộc vào sức khỏe đàn heo, qui trình tiêm phòng đầy đủ các bệnh trước đó.
Biện pháp phòng, chống dịch heo tai xanh
Khi chưa có dịch:tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch; quản lý việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin tai xanh và các bệnh phổ biến trên lợn như: bệnh tụ huyết trùng, bệnh dịch tả, bệnh phó thương hàn; đặc biệt rà soát và tổ chức tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn được hỗ trợ theo Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi có dịch: tập trung mọi lực lượng bao vây dập tắt dịch, không để dịch lan rộng; củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; quản lý ổ dịch, cấm vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn mắc bệnh ra ngoài ổ dịch; cho phép giết mổ lợn khỏe mạnh trong vùng dịch để tiêu thụ tại chỗ tại các cơ sở giết mổ được chỉ định và có sự giám sát của cơ quan thú y; nhanh chóng tiêu hủy lợn mắc bệnh nặng, không có khả năng hồi phục; vệ sinh tiêu độc khử trùng nơi có dịch và môi trường xung quanh; tiêm phòng vắc xin tai xanh bao vây ổ dịch theo Công văn số 1857/TY- DT ngày 25 tháng 10 năm 2011 về việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tai xanh.
Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch heo tai xanh
- Đối với cơ sở chăn nuôi, gia cầm tập trung: phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, quét dọn, thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khai thông cống rãnh. Tiêu độc toàn bộ chuồng, trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận 1 lần/tuần.
- Đối với chăn nuôi hộ gia đình: nuôi nhốt gia cầm; quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi gia cầm, thu gom phân rác, phân chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ (sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ) toàn bộ khu vực nuôi nhốt phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi nhập đàn mới. Nơi giết mổ phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất. Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khai cống rãnh.
- Chợ buôn bán gia súc, gia cầm ở khu vực nông thôn: quét dọn và phu thuốc khử trùng ở khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và các vật dụng có liên quan cuối mỗi buổi chợ. Phương tiện vận chuyển lồng nhốt phải được phun thuốc khử trùng khi vào, ra khỏi chợ. Những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ.
 
BS. Bửu Ba
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay3,331
  • Tháng hiện tại135,935
  • Tổng lượt truy cập6,756,857
PHỔ CẬP TÊN MIỀN “.VN” – THÚC ĐẨY HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN AN  TOÀN, TIN CẬY CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
hkg
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây