Bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao (HPAI) hay còn gọi là bệnh cúm gà, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm gây bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim cút, các loài chim bao gồm cả chim cảnh và chim hoang dã nhất là vịt trời, diệc, ngỗng trời….Đặc biệt các loài thủy cầm ( vịt, ngan, ngỗng ) thường mang mầm bệnh.
Bệnh có thể lây sang người và một số loài thú. Bệnh do một loại virut gây ra, lây lan rất nhanh và gây tỷ lệ chết rất cao trong vòng 24-48 giờ, làm chết nhiều gia cầm, gây thiệt hại kinh tế do phải tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch và chi phí chống dịch .
Bệnh có triệu chứng như: thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2-5 ngày kể từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.Triệu chứng lâm sàng gồm: sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân, da tím bầm, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết nhanh. Biểu hiện về thần kinh như đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, ngoẹo đầu, đi quay vòng. Gà tiêu chảy mạnh, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, thậm chí gà đẻ trứng không có vỏ. Trong một số trường hợp, bệnh bùng phát nhanh, trước khi gia cầm bị chết không có biểu hiện lâm sàng. Vịt và ngỗng nuôi có triệu chứng ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy giống như ở gà đẻ mắc bệnh, các xoang thường có hiện tượng sưng, tích nước.Vịt nhiễm virus cúm gia cầm và bài thải virus ra ngoài trong khi không biểu hiện các triệu chứng lâm sàng hoặc bệnh tích.
Gà mắc bệnh cúm có 2 bệnh tích như: bệnh tích bên ngoài gồm: mào và yếm (tích) sưng to, phù nề quanh mắt, chỗ da không có lông bị tím bầm, chân bị xuất huyết, xuất huyết vùng đầu và thâm tím. Bệnh tích bên trong gồm: niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy, xoang bụng tích nước hoặc viêm dính, xuất huyết lốm đốm ở bề mặt niêm mạc, xuất huyết toàn bộ đường tiêu hóa.
Trần Hữu Võ