HÒA THÀNH TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thứ năm - 28/03/2013 04:05 93 0

HÒA THÀNH TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

 

Thực hiện Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 ngày 21/01/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII); Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 26/02/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh; Công văn số 327-CV/HU ngày 20/3/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lãnh đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
Ngay sau khi tiếp thu chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch và ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-UB ngày 18/02/2013 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên địa bàn huyện; Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 28/02/2013 về việc thành lập Tổ giúp việc. Ngày 04/3/2013 Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, tỉnh, huyện đến Thường trực Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể, các cơ quan, ban ngành, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân huyện phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành:
- Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm in ấn tài liệu cung cấp đầy đủ cho các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn; kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo.
- Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch triển khai các tổ chức thành viên và tích cực hỗ trợ các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân (Mặt trận Tổ quốc huyện đã xây dựng Kế hoạch số 279/KH-BTT ngày 08/3/2013).
- Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các văn bản về lấy ý kiến nhân dân Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến các ban ngành, các ấp, khu phố.
Kết quả từ ngày 04/3 đến 25/3/2013 toàn huyện đã tổ chức được 192 cuộc, gồm 12.480 lượt người dự. Qua các Hội nghị nhân dân đã đóng góp 1.152 lượt ý kiến.
 Nhìn chung, các ý kiến góp ý của nhân dân đi vào trọng tâm, nêu rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật đất đai năm 2003, đồng thời đồng tình với Dự thảo Luật đấ đai (sửa đổi) lần này rõ ràng, bố cục chặt chẽ, dễ hiểu, khắc phục được một số hạn chế bất cập của Luật Đất đai năm 2003, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thuận lợi trong khâu quản lý; quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng, đề cao; xiết chặt và nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức quản lý góp phần không ngừng ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực từ đất để tạo động lực phát triển; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người sử dụng đất, của nhà đầu tư; bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh dưới sự quản lý của nhà nước. Trong đó nhân dân còn băng khoăn một số nội dung trong Dự thảo như: Khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai quy định “Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50 còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Vì quá trình thực hiện cấp dưới vẫn phải căn cứ quy hoạch được cấp trên phê duyệt, trường hợp phát sinh ngoài quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt thì phải xin ý kiến cấp trên theo trình tự thủ tục quy định. Do đó, đề nghị bỏ đoạn “có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, sửa thành “căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”.
Khoản 4 Điều 57 Luật Đất đai quy định “Người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không được uỷ quyền”. Nếu không cho phép ủy quyền thì công việc sẽ ùn tắc trong trường hợp lãnh đạo đi công tác, không đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước. Đề nghị chỉnh cụm từ ‘Không được ủy quyền”, thay cụm từ “ được uỷ quyền cho cấp phó của người đứng đầu” .
Điểm g, khoản 1, Điều 63 quy định “đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền …” sẽ bị thu hồi là không phù hợp. Vì thực tế có nhiều trường hợp đất gần khu dân cư, đất chai, đất phèn không thể trồng cây được hoặc trồng cây kém hiệu quả, thường người sử dụng bỏ trống, nhưng giá đất gần khu dân cư rất cao, nếu quy định chung chung như vậy sẽ khó thực hiện, không khả thi. Đề nghị quy định cụ thể hơn.
Khoản 2 Điều 72. Về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ngoài việc phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, thì nhà nước cần phải đảm bảo cuộc sống cho người có đất bị thu hồi bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Vì có chính sách khuyến khích như vậy mới động viên được người sử dụng đất tự nguyện giao đất.
- Điểm b, khoản 1, Điều 87 quy định: “Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất”. Quy định như vậy chưa cụ thể, còn chung chung, đề nghị sửa đổi “Mức bồi thường được tính căn cứ vào số lượng và năm tuổi của cây trồng để tính giá trị”.
Khoản 3 Điều 105 cần bổ sung thêm đối tượng là “Gia đình chính sách” được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Khoản 3 Điều 101. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Dự thảo quy định “Đối với những địa phương đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này ký giấy chứng nhận đối với cả trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Nếu quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến quy trình và thời gian thực hiện cấp giấy chứng nhận và dồn thêm công việc cho lãnh đạo dẫn đến kéo dài thời gian. Trong khi Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hơn nữa càng về sau số địa phương hoàn thành cơ sở dữ liệu càng nhiều. Do đó, đề nghị bỏ khoản 3, 4, 5 Điều 101, vẫn để cấp huyện ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay sẽ phù hợp với quy trình, thời gian và tiến trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh.
Điều 109 bảng giá đất, tại các Hội nghị có 806/1152 ý kiến (chiếm 69,96 %) chọn “Phương án 2” bảng giá đất được xây dựng định kỳ năm (05) năm một lần là nhằm mang tính ổn định về giá đất.
Điều 161. Quy định “Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất”. Có 921 ý kiến (chiếm 79,94%) chọn “Phương án 2” “việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo nhu cầu của các bên”.
Khoản 2 Điều 124. “Hạn mức giao đất nông nghiệp”. Đề nghị quy định cụ thể tỉnh nào, huyện nào thuộc đồng bằng, trung du, miền núi để làm căn cứ xác định và quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cho phù hợp với từng vùng.
Điều 198. “Giải quyết khiếu nại về đất đai”. Cần quy định rõ ràng hơn các căn cứ để giải quyết tranh chấp về đất đai, bởi vì trong thời gian qua có nhiều vụ căn cứ vào nguồn gốc để giải quyết; có vụ căn cứ quá trình sử dụng đất ổn định, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp kéo dài do cách hiểu, cách vận dụng thiếu nhất quán.
Mặc dù thời gian tổ chức lấy ý kiến hết sức khẩn trương nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, sự nổ lực của Tổ giúp việc và UBND các xã, thị trấn nên công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn huyện Hòa Thành đã hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ quy định.
PHAN DŨNG

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay2,008
  • Tháng hiện tại56,480
  • Tổng lượt truy cập5,645,929
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Thi đua khen thưởng
hkg
e office
hd nop hs truc tuyen
ke hoach phat trien nganh
hoc tap bac ho
cong dvc truc tuyen
hop thu dien tu
Cong bao tay ninh
tayninh online
an toan giao thong
cchc
cong khai minh bach
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây