Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X “về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Ngày 16-4-2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ Tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Ngày 4-6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
1- Cơ sở lý luận
Giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp nông thôn và xây dựng Nông thôn mới, chính là áp dụng lý luận phát triển nông thôn bền vững vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo đó nâng cao chất lượng sống cả về vật chất và tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn nói chung vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển nông thôn.
Xây dựng Nông thôn mới là vấn đề thời sự trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Văn kiện đã khẳng định “Xây dựng Nông thôn mới để giai cấp nông dân thực sự là chủ thể trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”. Xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng đất nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Như vậy, xây dựng Nông thôn mới là quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng hiện đại, trong đó những người nông dân thực sự làm chủ, ly nông bất ly hương, họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng để hướng tới xây dựng nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với nước ta có tới 56% dân số làm nông nghiệp, gồm 70% dân số sống ở nông thôn. Đối với Huyện Hòa Thành có tới 86% dân số sống ở nông thôn nhưng chỉ có 15,50% dân số làm nông nghiệp (vì là Huyện vừa là thành thị, vừa là nông thôn). Vấn đề phát triển nông thôn không những mang ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng và trật tự xã hội. Nếu xét về mặt lý thuyết của sự phát triển hài hòa thì cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp phải chiếm một giá trị nhất định trong nền kinh tế.
Một xã hội phát triển ở mức ổn định và lý tưởng thì cơ cấu nông nghiệp xây dựng, dịch vụ, nông lâm nghiệp, thủy sản phải chiếm vị trí tương đương nhau, đóng góp GDP tương đối đồng đều, trong đó sản xuất nông- lâm- thủy sản chỉ có ít dân số làm và phải sản xuất theo hướng hiện đại.
Do vậy, việc xây dựng Nông thôn mới không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai cấp nông dân chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội, chính họ là chủ thể xây dựng làng quê, bảo vệ an ninh trật tự xóm ấp. Việc xây dựng Nông thôn mới với 19 tiêu chí sẽ tạo ra một vùng nông thôn có đủ điều kiện để phát triển.
2- Cơ sở thực tế
Nội dung quan trọng nhất của chương trình xây dựng Nông thôn mới là nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển sản xuất, dịch vụ và đảm bảo an sinh xã hội cho dân cư nông thôn. Để thực hiện nội dung này nhà nước phải đầu tư vốn ngân sách, vốn vay, vốn của doanh nghiệp và nhân dân. Có đánh giá đúng thực trạng cơ sở hạ tầng, xây dựng quy hoạch để biết được định hướng thực hiện như điện, giao thông nông thôn, hệ thống trường học các cấp, hệ thống y tế các cấp, nhà ở, lao động việc làm, chợ, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị xã hội và thu nhập.
Cơ sở lý luận và thực tế nông thôn Việt Nam sau 25 năm đổi mới là những căn cứ để khẳng định sự cần thiết khách quan của sự ra đời chương trình xây dựng mô hình Nông thôn mới ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và các năm tới theo đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Song xây dựng mô hình Nông thôn mới là công việc mới, hết sức khó khăn và tốn kém, do đó Tây Ninh chỉ xây dựng thí điểm từng huyện, mỗi huyện chỉ có một xã hoàn thành nông thôn mới đến năm 2015.
3- Hòa Thành sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới
Xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, chương trình xây dựng Nông thôn mới của Huyện giai đoạn 2011-2015 tập trung vào những nội dung cơ bản như:
Kinh tế nông thôn phát triển nhanh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của dân cư nông thôn được nâng cao, xóa nghèo bền vững.
Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ vững và phát huy phù hợp với từng vùng bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn (nhất là Huyện có tôn giáo Cao Đài chiếm 90% dân số theo đạo), kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
An ninh nông thôn ấp, xóm, quản lý dân chủ, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương được nâng cao.
Chất lượng hệ thống chính trị nông thôn được bảo đảm ổn định và không ngừng được nâng cao.
Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới ở xã điểm của Tỉnh (xã Long Thành Trung) và 2 xã điểm của Huyện (xã Long Thành Bắc và Trường Hòa), những kết quả và thành công bước đầu đạt được là đáng ghi nhận trên cả 2 mặt: Xây dựng mô hình Nông thôn mới và thử nghiệm tính khả thi của 19 tiêu chí Nông thôn mới.
Qua 3 năm xây dựng Hòa Thành đã phát động thi đua phong trào “Hòa Thành chung sức xây dựng Nông thôn mới” hàng năm có những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng Nông thôn mới.
Kết quả đến nay Huyện có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí (xã Long Thành Trung), 1 xã đạt 14/19 tiêu chí (xã Long Thành Bắc), 1 xã đạt 8/19 tiêu chí (xã Trường Tây), 3 xã đạt 7 /19 tiêu chí (xã Long Thành Nam, Trường Đông, Hiệp Tân), 1 xã đạt 6/19 tiêu chí (xã Trường Hòa). Trong đó tiêu chí 10 về Thu nhập đạt chỉ có 1 xã (Long Thành Trung), năm 2013 đạt 31.580.000 đồng/người/năm.
Sau 3 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới ở xã điểm của Tỉnh và Huyện có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực, hiện cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đang tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2014 của xã điểm Tỉnh.
Đinh Văn Khanh- Chi cục Thống kê