Huyện ủy, UBND huyện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể được xây dựng cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, bảo đảm đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho công nhân lao động.
Trên địa bàn huyện Hòa Thành hiện có 535 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 5 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài Visarim Orume, Highvina Apparel, Dệt may Hòa Thành (xã Long Thành Nam); Cty Fairy Park (xã Trường Hòa) và Penro xã Trường Đông với 3.203 lao động; 89 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên, đang hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thu hút 1.337 lao động vào làm việc. Về tổ chức công đoàn: Toàn huyện có 118 công đoàn cơ sở, với 6.232 đoàn viên công đoàn/6.850 CBCCVCLĐ (trong đó 48 CĐCS trường học với 1.593 đoàn viên công đoàn).
Từ khi có Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng bộ Hòa Thành xác định cơ cấu kinh tế của huyện là thương mại- dịch vụ; công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp, lực lượng công nhân trong huyện đã có bước chuyển quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng từng bước được nâng lên, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.
Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện hàng năm lãnh đạo Liên đoàn lao động huyện, phòng Lao động TB-XH huyện quan tâm thực hiện công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, huyện mở 24 lớp dạy nghề lao động nông thôn có 780 người tham dự, số lao động sau khi học nghề có việc làm trên 80%. Huyện thực hiện tốt chế độ chính sách và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lãnh đạo Liên đoàn lao động huyện phối hợp Ngân hàng chính sách – xã hội huyện tạo điều kiện cho công nhân lao động vay vốn phát triển kinh tế gia đình 200 triệu đồng từ "Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm" giải quyết cho vay 28 lượt CBCNVCLĐ; công đoàn cơ sở duy trì 53 tổ góp vốn xoay vòng không tính lãi từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Huyện ủy lãnh đạo Liên đoàn lao động huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình "Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018", Chương trình "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn" cho các cấp công đoàn cơ sở trực thuộc. Trong 03 năm, đã thành lập 12 CĐCS (trong đó có 11 CĐCS ngoài nhà nước), kết nạp mới 1.309 đoàn viên. Phối hợp với Trung tâm BDCT huyện mở 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn, có 217 đồng chí là cán bộ công đoàn cơ sở tham dự. Đồng thời, trong Hội nghị cán bộ công chức và Hội nghị người lao động hàng năm, các CĐCS đã phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, đăng ký các danh hiệu thi đua: lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào nữ 2 giỏi,… được đông đảo CNVCLĐ tham gia và qua phong trào thi đua đã có nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc được cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Hiện nay, 02/535 doanh nghiệp có tổ chức đảng (Công ty gạch Tây Ninh 7 đảng viên và Bệnh viện tư nhân Cao Văn Chí có 9 đảng viên). Đến nay, các CĐCS trên địa bàn huyện thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 15/8/2013 của Chính phủ "Quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc" và Chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể". Hiện có 100% doanh nghiệp nhà nước, 87% doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể và 100% cơ quan hành chính sự nghiệp, 85% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động.
Trong thời gian tới, Liên đoàn lao động huyện tích cực phối hợp mặt trận, các đoàn thể và các ban, ngành liên quan đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức công đoàn cơ sở phải đóng vai trò nòng cốt, vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho các tổ chức công đoàn và đoàn thể hoạt động, thường xuyên giao lưu, đối thoại với công nhân tạo sự gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động. UBND huyện tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước đối với các ban, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết; phối hợp với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp xây dựng nhà ở, cơ sở nuôi dạy trẻ, khu vui chơi, giải trí... cho công nhân lao động tại cụm công nghiệp; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân trên địa bàn huyện./.
Kim Ngân-Ban Dân vận
Ý kiến bạn đọc