Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, trong những năm qua, huyện Hòa Thành có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây sau khi Ban Bí thư (khóa X) ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới”, Đảng bộ và chính quyền huyện Hòa Thành có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện xác định gia đình là tế bào của xã hội và “Gia đình hiếu học” và “dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học” là một bộ phận quan trọng trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó ra sức tập trung xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học và xem đây là một hoạt động chủ yếu của công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở nhằm tạo điều kiện cho mọi người được “học tập suốt đời”
Để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra, hằng năm, ngay từ đầu năm Hội Khuyến học huyện đã triển khai quán triệt ba tiêu chí của “Gia đình hiếu học” và các tiêu chuẩn của dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong đội ngũ những người làm công tác khuyến học, chi hội và hội viên. Các tiêu chí này được đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng năm và được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Hội khuyến học huyện đã cùng với MTTQ và các ngành liên quan ký kết liên tịch thực hiện vận động xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Gia đình hiếu học”… đồng thời tổ chức bình xét, cấp giấy công nhận; tổ chức khen thưởng, biểu dương nhằm nhân rộng phong trào. Nhiều chi hội như: Chi hội khuyến học dòng họ, Chi hội khuyến học họ đạo, Chi hội khuyến học nghề nghiệp và Chi hội khuyến học người dân tộc… cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Toàn huyện có 10 chi hội khuyến học dòng họ, các chi hội khuyến học dòng họ đã tích cực tuyên truyền trong dòng họ mình tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, huy động tiền tặng học bổng, xe đạp, quần áo dụng cụ học tập cho con em trong dòng họ có hoàn cảnh khó khăn để có tạo điều kiện các em đến trường và động viên các em có thành tích học tập tốt. Điều đáng nói là từ việc làm ý nghĩa mang tính thiết thực này, nhiều Chi hội đã thu hút được ngày càng nhiều người trong dòng họ tham gia. Điển hình như Chi hội khuyến học dòng họ Hồ (xã Long Thành Trung) mới thành lập chỉ có trên 20 thành viên, thế mà sau 2 năm hoạt động, nay tăng lên 110 hội viên. Năm học vừa qua, Chi hội này đã vận động được 10.450.000 đồng, tặng 51 suất học bổng cho học sinh nghèo là con em trong dòng họ. Chi hội Khuyến học dòng họ Phan cũng có gần 100 thành viên, thông qua các ngày giỗ tộc hàng năm đã huy động được trên 27 triệu đồng kịp thời giúp đỡ học sinh, sinh viên là con em gia đình khó khăn của dòng họ. Chi hội dòng họ Lê, họ Huỳnh (xã Hiệp Tân), Chi hội dòng họ Đặng, họ Trương (xã Long Thành Bắc) mỗi năm vận động từ 10 triệu đồng trở lên để giúp đỡ con em trong dòng họ đến trường.
Chi hội khuyến học Kim Hoàn (xã Long Thành Trung) là Chi hội khuyến học nghề nghiệp hoạt động tích cực góp phần đáng kể cùng chính quyền chăm lo sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Tính trong hai năm qua Chi hội đã huy động được 27,6 triệu đồng, tặng 105 suất học bổng cho con em nghèo trong giới thợ, đồng thời vận động 170 gia đình trong chi hội đăng ký “Gia đình hiếu học”. Qua bình xét có 55 gia đình đạt 03 tiêu chí gia đình hiếu học.
Trong tôn giáo cũng thành lập được 10 Chi hội khuyến học gồm 9 chi hội khuyến học trong tôn giáo Cao Đài và 01 chi hội khuyến học Chùa Thiền Lâm (Phật giáo) với 168 hội viên. Các chi hội này, mỗi năm tham gia tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo.
Cùng với các mô hình trên, việc xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng khuyến học được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Hiện có 7.118 gia đình đăng ký “Gia đình hiếu học” chiếm 28,25% so với số dân toàn huyện. Các gia đình hiếu học có nhiều cố gắng trong việc quản lý, theo dõi, động viên và tạo điều kiện cho con em mình học tốt. Nhiều gia đình mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng lo con mình ăn học tới nơi, tới chốn. Đơn cử như: gia đình ông Tống Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Hoa Lài ngụ xã Long Thành Nam. Chồng bệnh, bà Lài là trụ cột chính trong gia đình, hàng ngày bà thức dậy từ rất sớm để nấu sữa đậu nành đi bán. Thế mà, ông bà đã nuôi 04 người con ăn học thành đạt (02 người đại học y khoa, 01 người đại học sư phạm và 01 đang học lớp 12). Gia đình ông Trịnh Văn Bảy và bà Phạm Thị Xuân Hà ngụ xã Trường Tây, cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn, làm thuê, làm mướn nhưng vẫn cố gắng nuôi 6 người con ăn học thành đạt, đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 02 kỹ sư xây dựng, 01 đại học kinh tế, 01 thạc sĩ y khoa (đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ –Tokyo). Nhiều gia đìnhkhông những nuôi con em mình học tập thành đạt mà còn tham gia đóng góp tích cực cho Quỹ khuyến học của địa phương như: ông Đặng Hữu Nghĩa và bà Lê Thị Hảo ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa. Ông bà trên 80 tuổi, các con đều thành đạt, mỗi năm ông, bà đóng góp trên dưới 30 triệu đồng để tặng học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo. Năm vừa qua, ông đóng góp 8 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non Hiệp Định (xã Hiệp Tân).
Đó là những tấm gương “Gia đình hiếu học” tiêu biểu trong những tấm gương “Gia đình hiếu học” ở huyện Hòa Thành. Họ rất đáng được trân trọng và biểu dương bởi những nỗ lực phấn đấu đã giáo dục, rèn luyện nuôi dưỡng tốt con cái, đã góp phần cùng xã hội thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng thành công xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Hồng Nhựt